Bộ trưởng Kinh tế Nga: Kinh tế Nga đã ra khỏi suy thoái

16:53' - 05/02/2016
BNEWS Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev ngày 4/2 thông báo nền kinh tế nước này đã ra khỏi suy thoái.
Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev. Ảnh: bloomberg.com

Ông Ulyukayev được dẫn lời nói: "Theo định nghĩa, suy thoái là khi nhịp độ tăng trưởng giảm hai quý liên tiếp, và nếu như vậy thì suy thoái (kinh tế) đã kết thúc".

Theo ông Ulyukayev, GDP của Nga quý IV/2015 đã giảm 0,4%, nhưng trong quý III/2015, nền kinh tế đã ghi nhận sự tăng trưởng theo mùa vụ, nghĩa là GDP không giảm hai quý liên tiếp. Ông Ulyukayev cũng dự đoán sắp tới nền kinh tế Nga sẽ ngừng suy giảm. 

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) đã dự báo về tình trạng xấu đi của kinh tế Nga. Theo tính toán mới của các chuyên gia EC, GDP của Nga năm 2016 sẽ tiếp tục suy giảm, dù giảm chậm lại so với năm 2015 nhưng lớn hơn so với dự báo trước đó.

Nếu trước đó EC dự báo kinh tế Nga năm 2016 sẽ giảm 0,5%, thì nay cơ quan này dự báo GDP của Nga năm 2016 giảm ở mức 1,2%.

Trước đó, ngày 27/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc họp với Thống đốc Ngân hàng trung ương và các nhân sự chủ chốt trong chính phủ để thảo luận về nền kinh tế và các biện pháp kích thích có thể được thực hiện để đối phó với thiệt hại gây ra bởi giá dầu thấp, các biện pháp trừng phạt của phương Tây và đồng ruble (rúp) mất giá mạnh.

Theo các quan chức cấp cao Nga, các bộ của Nga đang đề nghị chính phủ chi khoảng 3,5 tỷ USD cho các biện pháp chống khủng hoảng, chủ yếu để trợ giúp các ngành công nghiệp chịu tác động bởi sự sa sút của nền kinh tế.

Với giá dầu, mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, hiện ở gần mức thấp nhất trong 12 năm, Chính phủ Nga đang bị chia rẽ giữa một bên là các bộ muốn có một gói cứu trợ kinh tế và một bên là Bộ Tài chính đang nỗ lực kiểm soát các khoản chi.

Nền kinh tế phụ thuộc vào năng lượng của Nga đã suy giảm 3,7% trong năm 2015, và được dự báo sẽ tiếp tục đà này trong năm nay, do các vấn đề mang tính hệ thống, cộng thêm tác động mạnh từ việc giá dầu giảm mạnh kéo dài và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục