Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Rủi ro dịch bệnh cao trên các đối tượng chăn nuôi, thủy sản

12:27' - 03/09/2020
BNEWS Vẫn còn nhiều ổ dịch tả lợn châu phi nhỏ, đặc biệt quy mô hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nếu không cảnh giác, điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học không tốt mà dịch bệnh quay trở lại thì sẽ là một thảm họa.

Tại hội nghị Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 3/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm nguy cơ, rủi ro dịch bệnh trên các đối tượng chăn nuôi, thủy sản đều rất cao.

Bởi, mật độ đàn và khối lượng đàn chăn nuôi lớn nên nguy cơ xác suất rủi ro rất cao. Cùng với đó, quý 4 thường có khối lượng các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản luân chuyển rất lớn nên rủi ro gây ra dịch bệnh lan truyền rất cao.

Ngoài ra, do tác động của biến đổi khí hậu, các yếu tố cực đoan của thời tiết, đặc biệt từ nay đến cuối năm có sự giao mùa giữa các vùng nếu người chăn nuôi không cẩn thận để xảy ra dịch bệnh thì rất căng thẳng.

Mặc dù dịch tả lợn châu Phi đến nay cơ bản khống chế, nhưng Bộ trưởng cho rằng nguy cơ rủi ro rất lớn bởi vẫn còn nhiều ổ dịch nhỏ, đặc biệt quy mô hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Nếu như chúng ta không cảnh giác, điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học không tốt mà dịch bệnh quay trở lại thì sẽ là một thảm họa.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương tăng cường các hoạt động quản lý chuyên ngành thú y và coi “phòng là chính”, đồng bộ cả hệ thống phải vào cuộc từ khu vực quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người dân phải thực hiện nghiêm các quy trình về dịch tễ để đảm bảo giữ được an toàn.

“Không chỉ chú ý đến tiêm phòng, an toàn dịch bệnh mà còn phải chú ý trong chế biến, giết mổ, bởi đây cũng là khâu dễ gây ra ô nhiễm, lây lan dịch bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra.

Việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản 8 tháng năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành đã đạt được những kết quả rất quan trọng.

Tất cả các đối tượng chăn nuôi từ lợn, đại gia súc trâu, bò đến gia cầm, thủy cầm và thủy sản nuôi đều khống chế dịch bệnh ở mức độ rất thấp. Chính vì đã đảm bảo cho tăng trưởng khu vực này đạt 6,3%.

Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước xảy ra 66 ổ dịch do vi rút cúm H5N1 và H5N6 tại 23 tỉnh, thành phố; số gia cầm phải tiêu hủy là gần 200.000 con, chiếm 0,39% tổng đàn gia cầm của cả nước (gần 500 triệu con). Như vậy, tuyệt đại đa số đàn gia cầm của Việt Nam an toàn dịch bệnh.

Năm 2020, cả nước có 1.008 ổ dịch tả lợn châu Phi; trong đó 531 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019, 27 ổ dịch phát sinh mới, 450 ổ dịch tái phát tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy là 43.150 con, khoảng 2.157 tấn.

Hiện nay, cả nước có 199 xã thuộc 72 huyện của 19 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Cả nước đã có 98% số xã đã công bố hết dịch, bảo đảm các điều kiện cho chăn nuôi lợn tái đàn, tăng đàn lợn.

Với dịch lở mồm long móng, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 138 ổ dịch típ O tại 18 tỉnh, thành phố; số gia súc mắc bệnh là 5.114 con. Số gia súc chết và tiêu hủy là 122 con, giảm gần 3 lần so với năm 2019.

Các ổ dịch vừa qua chủ yếu xảy ra trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng. Nguy cơ dịch lở mồm long móng tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao, đặc biệt đối với đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, ngành sẽ tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm; chỉ đạo rà soát, tiêm phòng cho đạt vật nuôi; giám sát, cảnh báo nguy cơ các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm.

Các địa phương triển khai tháng sát trùng, vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đồng thời đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh.

Về thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại trong 8 tháng là hơn 38.736 ha, gấp trên 2 lần so với cùng kỳ năm 2019; ngoài ra có khoảng 6.160 lồng, bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại.

Đáng chú ý là diện tích tôm nuôi thiệt hại nhưng không xác định được nguyên nhân là gần 29.857 ha, chiếm 81,56% trong diện tích tôm bị thiệt hại.

Ông Phạm Văn Đông cho biết, Cục Thú y sẽ hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai giám sát dịch bệnh trên tôm và cá tra góp phần phục vụ xuất khẩu cũng như xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định.

Trước tình trạng tôm nuôi thiệt hại nhưng không xác định được nguyên nhân với diện tích cao, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, Cục Thú y cần nghiên cứu để có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản quốc gia như các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để có kế hoạch giám sát cũng như nguồn lực phòng, chống dịch bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục