Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tái đàn lợn nhanh nhưng phải cẩn trọng, an toàn​

14:04' - 06/05/2020
BNEWS Đến tháng 4/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi là khoảng 31 triệu con vào 31/12/2018.

Tại hội nghị "Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn" ngày 6/5 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay, ngành chăn nuôi đã tái đàn được trên 80% so với tổng đàn lợn thời điểm trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra. Tuy nhiên, còn 20% đàn lợn nữa sẽ là một nhiệm vụ rất khó mà ngành phải tập trung, đẩy mạnh tái đàn, đảm bảo nhanh để trong quý III và quý IV cả nước có được đàn lợn phát triển bằng với trước khi dịch bệnh xảy ra. 

“Thúc đẩy sản xuất nhanh nhưng vấn đề là nguồn vốn, giống ở đâu, trong khi dịch bệnh vẫn còn. Do đó, bài toán là cần tích cực nhưng cẩn trọng, thúc đẩy nhanh nhưng phải an toàn, bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chúng ta phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là tháo gỡ để thúc đẩy phát triển nhanh chăn nuôi ở khu vực hộ nông dân, trang trại quy mô vừa và hợp tác xã. Đây là hai khu vực đóng góp tới 65% tổng đàn lợn nên cần đẩy nhanh hơn, nhưng đây cũng chính là hai nhóm đối tượng yếu thế và doanh nghiệp cũng cần chung tay hỗ trợ nhóm đối tượng này.

Các doanh nghiệp chia sẻ các sản phẩm, dịch vụ về con giống, thức ăn chăn nuôi hợp lý cho các nhóm hộ, hợp tác xã để sản phẩm có giá thành hợp lý, người dân có khả năng tái đàn. Bên cạnh đó, khu vực người dân, nhất là các quy mô chăn nuôi hộ, trang trại, hợp tác xã cần liên kết chặt chẽ với nhau, với doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất hiệu quả và tuân thủ nghiêm quy trình an toàn sinh học.

Hiện nhiều tỉnh đã xây dựng các chính sách cụ thể hỗ trợ về con giống, phương thức chăn nuôi…  Thời gian tới, ngành cũng sẽ tập trung chỉ đạo sâu sắc hơn nữa để đảm bảo tái đàn lợn an toàn, vì nguy cơ dịch tả lợn châu Phi quay trở lại vẫn còn rất hiện hữu. Do đó, khuyến khích người dân phát triển nhưng phải trên cơ sở đảm bảo được an toàn sinh học.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị, các bộ, ban, ngành cùng vào cuộc hỗ trợ nông dân tái đàn lợn, đặc biệt như ngân hàng trong hỗ trợ vốn lớn; chính quyền với vai trò kiểm sát, giám sát để đảm bảo phát triển tái đàn nhanh, kiểm soát tốt khâu thương mại, không xảy ra hiện tình trạng trục lợi, đưa chăn nuôi lợn phát triển bền vững lâu dài.

Với tỷ lệ chăn nuôi hộ gia đình chiếm 65% tổng đàn lợn của địa phương, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, khó khăn hiện nay trong tái đàn là con giống, tiếp đến là vốn, đặc biệt khu vực với 65% là nông hộ, những hộ có đàn lợn bị dịch và họ đang thiếu giống, thiếu vốn để tái đàn. Tỉnh đã giảm điều kiện về quy mô chăn nuôi và tăng mức hỗ trợ cho các hộ nông dân.

Ngoài ra, tỉnh bổ sung thêm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng.

Ông Đỗ Đức Duy kiến nghị, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp đảm bảo bình ổn, phát triển chăn nuôi lợn phục vụ trong nước và xuất khẩu, tránh mất cân đối cung cầu và biến động giá bởi địa phương cũng như các hộ chăn nuôi rất lo lắng về đầu ra sản phẩm. Tỉnh đề nghị doanh nghiệp đẩy mạnh cung ứng con giống thương phẩm an toàn cho các hợp tác xã, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ địa phương các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học. 

Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, công ty đã tăng nguồn cung lợn giống hậu bị tương đối mạnh bằng cách tăng tỷ lệ lựa chọn. Trước đây, công ty chỉ lựa chọn con giống với khoảng 70% con được đẻ ra. Thời gian này, công ty thậm chí lựa chọn lên tới trên 90% để cung cấp cho nội bộ và những con lợn giống tốt với tỷ lệ chọn dưới 70% vẫn để phục vụ người nông dân.

Bên cạnh đó, công ty còn luân chuyển con giống giữa vùng miền, như chuyển từ khu vực miền Trung sang Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, những vùng người dân có nhu cầu con giống cao.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 4/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch tả lợn châu Phi là khoảng 31 triệu con vào 31/12/2018, tăng trưởng bình quân 5,78%/tháng.

Hiện cả nước có 9 tỉnh, thành phố có tổng đàn lợn bằng hoặc cao hơn trước khi có dịch tả lợn châu Phi; trong đó tỉnh Bình Phước có đàn lợn tăng rất cao với 49% so với trước khi có dịch; có 21 tỉnh, thành có đàn lợn từ 80-100%; đặc biệt có 7 tỉnh, thành phố có đàn lợn đạt dưới 50%.

Theo Cục Thú y, cả nước đã có trên 99% số xã có bệnh dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày và công bố, thông báo hết bệnh. Hiện nay, cả nước chỉ còn 94 xã thuộc 42 huyện của 16 tỉnh, thành phố có bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục