Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Cuối năm 2020, giá thịt lợn có thể bình ổn

19:52' - 05/05/2020
BNEWS Tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đến cuối năm giá thịt lợn có thể bình ổn khi chưa có dịch tả lợn châu Phi.

Chiều 5/5, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4, xung quanh nội dung về giá thịt lợn vẫn cao và việc nhập khẩu thịt lợn vừa qua có đáp ứng đủ nguồn cung trong nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đến cuối năm giá thịt lợn có thể bình ổn khi chưa có dịch tả lợn châu Phi.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, về cơ chế quản lý giá các mặt hàng nói chung; trong đó, có mặt hàng thịt lợn theo cơ chế thị trường và theo cơ chế cung - cầu.

Về vĩ mô, giá thịt lợn tăng cao sẽ ảnh hưởng đến CPI và cân đối nền kinh tế. Trong khi đó, về vi mô thì điều này cũng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh.

Ông cho rằng, đây là thói quen tiêu dùng của người dân bởi trong thời gian qua, mặc dù thịt gia cầm rất rẻ nhưng do thịt lợn tiện cho chế biến nhiều món ăn và hợp với khẩu vị của người Việt Nam.

Giá thịt lợn tăng cao do nguồn cung thiếu và đây là lý do khách quan bởi dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng lớn đến tổng đàn lợn trên toàn quốc. Kể cả khi dập được dịch tả lợn châu Phi thì người nông dân chưa yên tâm tái đàn do lo sợ dịch quay trở lại và giá con giống rất cao.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ, đàn lợn ở các doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 35% tổng đàn, còn lại tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong dân.

Để đảm bảo đủ nguồn cung và giảm giá thịt lợn có hai giải pháp, đó là tái đàn và nhập khẩu.

Tuy nhiên, việc tái đàn không phải trong thời gian ngắn có thể khắc phục được. Dự kiến, cuối năm nay đàn lợn mới có thể đạt được số lượng khi chưa có dịch tả lợn châu Phi.

Đối với nhập khẩu thịt lợn, hiện nay Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các Bộ, ngành như: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhập khẩu thịt lợn. Tuy nhiên, nhập khẩu thịt lợn mới chỉ đạt 45.000 tấn so với mức 100.000 tấn được giao.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay các doanh nghiệp nhập khẩu thịt được tạo điều kiện trong thủ tục nhập khẩu và không phải qua nhiều cơ quan, ban, ngành trong việc làm thủ tục. “Hy vọng với các giải pháp như trên, từ nay đến cuối năm giá thịt lợn có thể bình ổn khi chưa có dịch tả lợn châu Phi”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ.

Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã có một số buổi làm việc với doanh nghiệp về vấn đề nhập khẩu thịt lợn, nhưng người dân không có thói quen dùng thịt lợn nhập khẩu nên các doanh nghiệp rất dè dặt trong nhập khẩu.

Thói quen này của người tiêu dùng cũng dẫn đến việc các ngành gặp khó khăn trong điều hành thị trường mặt hàng này.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tốc độ tái đàn lợn trong quý I/2020 đạt 6,3%, nhưng riêng 15 đơn vị sản xuất lớn trong cả nước đạt tốc độ lên tới 17%.

Dự báo tới đây, tốc độ tăng đàn sẽ rất nhanh bởi cả nước vẫn giữ được đàn lợn giống gốc: đàn lợn cụ kỵ, ông bà hiện nay giữ được 109.000 con, xấp xỉ 2,7 triệu lợn nái.

Còn theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính từ đầu năm đến ngày 13/4, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 46.402 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo đó, nhập khẩu từ Canada chiếm 25%, Đức trên 19%, Ba Lan 14%, Brazil 9,5%, Hoa Kỳ 8,39%, Tây Ban Nha 6,72%, Liên bang Nga 4%.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục