Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tiết kiệm nhưng phải đảm bảo đủ nước gieo cấy vụ Đông Xuân

16:22' - 17/01/2020
BNEWS Để bảo đảm đủ nước cho diện tích gieo cấy của khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ vụ Đông Xuân 2019-2020, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương đã quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Các hồ chứa thủy điện đang có mức trữ thấp, chỉ đạt 60% dung tích thiết kế; trong đó, hồ thủy điện Hòa Bình có lượng trữ thấp nhất trong 30 năm qua kể từ khi đi vào vận hành khai thác. Trước thực tế trên, để bảo đảm đủ nước cho diện tích gieo cấy của khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ vụ Đông Xuân 2019-2020, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương đã quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ với phóng viên TTXVN về những nội dung này. 

Phóng viên: Bộ trưởng cho biết tình hình sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Vụ Đông Xuân ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là vụ sản xuất chính, có năng suất, sản lượng cao, có ý nghĩa quan trọng cho việc cung cấp sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt cho tiêu dùng tại chỗ ở khu vực nông thôn và đô thị lân cận. Vụ Đông Xuân 2019-2020, có 11 tỉnh, thành phố trong khu vực gieo cấy trên diện tích khoảng 528.700 ha lúa; trong đó, khoảng 81% diện tích phụ thuộc trực tiếp vào nguồn nước điều tiết từ các hồ chứa thủy điện.

Do ảnh hưởng của lượng mưa thấp trong mùa mưa năm 2019, các hồ chứa thủy điện tham gia điều tiết nước phục vụ sản xuất gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 ở khu vực hiện ở mức trữ thấp, chỉ đạt 60% dung tích thiết kế, tương đương 9,8 tỷ m3 nước, thiếu hụt khoảng 7 tỷ m3 so với vụ Đông Xuân 2018-2019 và thiếu hụt từ 15-45% so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, hồ thủy điện Hòa Bình có lượng trữ thấp nhất trong 30 năm qua kể từ khi đi vào vận hành khai thác.

Bên cạnh đó, tình trạng mực nước hệ thống sông Hồng bị hạ thấp đã diễn ra từ một số năm gần đây và hiện vẫn đang tiếp diễn với tốc độ rất nhanh. Mặc dù các nhà máy thủy điện đã vận hành hết công suất phát điện vẫn không thể dâng mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt +2,2m như yêu cầu.

Do đó, nguồn nước cung cấp phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 và thời gian tới ở khu vực này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Phóng viên: Trước tình hình đó, theo Bộ trưởng, các đơn vị chức năng cũng như các địa phương cần giải quyết khó khăn này ra sao?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nếu không giải quyết được việc lấy nước thì sẽ rất khó khăn cho sản xuất. Do vậy, cần khắc phục bằng các biện pháp kỹ thuật hiệu quả, hoạt động hết công năng để làm sao rút ngắn được thời gian lấy nước thì càng tốt. Các tỉnh phải vận dụng sáng tạo, chỉ đạo điều hành đảm bảo tiết kiệm điện phục vụ lấy nước tối đa; chung tay với ngành điện chứ không chỉ lo mỗi cho sản xuất nông nghiệp.

Tổng cục Thủy lợi phải thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, nguồn nước; đồng thời, phối hợp với Cục Trồng trọt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương tham mưu điều hành chặt chẽ, linh hoạt, khoa học nhất trong các đợt lấy nước trên nguyên tắc tiết kiệm nước nhưng phải đảm bảo cấp đủ nước phục vụ gieo cấy. Bởi, thời gian tới khu vực này còn có khả năng bị khô hạn nên cần giữ nước cho các nhu cầu khác.

Tổng cục Thủy lợi cũng cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới, điển hình như: xây dựng trạm bơm cột nước thấp đã áp dụng thành công tại tỉnh Hưng Yên; phổ biến để các địa phương khác nghiên cứu, áp dụng.

Chuẩn bị lấy nước cho vụ Xuân đợt 1. Ảnh minh họa: TTXVN
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các công ty khai thác công trình thủy lợi xây dựng kế hoạch lấy nước chi tiết phù hợp với lịch lấy nước đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo, bảo đảm tận dụng tối đa nguồn nước tại chỗ như: hồ chứa, sông nội địa, ao, đầm, vùng trũng…, nguồn nước hồi quy và lợi dụng thủy triều lấy nước ngược để phục vụ gieo cấy, hỗ trợ tiết kiệm nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện.

Các địa phương phải tổ chức lấy nước sớm, ngay khi nguồn nước cho phép để đưa nước lên ruộng và tích trữ trong nội đồng; vận hành tối đa phương tiện để lấy nước. Ngay từ đợt 1, địa phương phải tập trung đổ ải, bởi đây là biện pháp giữ nước tốt nhất.

Năm nay, Tết Nguyên đán xong mới vào vụ gieo cấy, do đó các địa phương và nông dân cần chuẩn bị kỹ, tập trung cao độ từ sau lập Xuân 4/2 để kết thúc trước 28/2. Việc gieo cấy tập trung trong thời gian ngắn nhất không chỉ góp phần tiết kiệm nước mà còn là biện pháp canh tác tốt để đạt năng suất cao.

Bởi vậy, Cục Trồng trọt phải hướng dẫn các địa phương sử dụng các giống lúa ngắn ngày, phù hợp với điều kiện nguồn nước và hướng dẫn cụ thể kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước. Địa phương thực hiện khung thời vụ gieo cấy lúa Đông Xuân tập trung, chủ yếu là Xuân muộn và áp dụng phương thức cấy, hạn chế gieo sạ để giảm áp lực cấp nước, đồng thời giảm việc sử dụng thuốc trừ cỏ.

Phóng viên: Về lâu dài, để khắc phục tình trạng thiếu nước, theo Bộ trưởng cần có các giải pháp gì?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tổng cục Thủy lợi cùng với các địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu đầu tư các công trình thủy lợi lấy nước không phụ thuộc vào nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn trung hạn 2021-2025.

Cùng đó, rà soát, đánh giá lại quy hoạch, quy trình vận hành các hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, thích ứng với tình trạng lòng dẫn, mực nước sông bị hạ thấp. Về lâu dài, ngành khuyến khích các cơ quan nghiên cứu khoa học nghiên cứu việc áp dụng công nghệ mới trong việc lấy nước; trong đó, có giải pháp đập ngầm dâng nước nhằm phục hồi lòng sông, nâng cao hiệu quả lấy nước của các công trình thủy lợi.

Các địa phương vùng này cũng phải đẩy mạnh tái cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Những diện tích trên cao kiên quyết chuyển đổi cây trồng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục