Bộ trưởng Nhật Bản: TPP không phải là một ván cờ có kẻ thắng, người thua

16:35' - 01/12/2015
BNEWS Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản Akira Amari cho rằng TPP không phải là một ván cờ, trong đó có kẻ thắng người thua, mà là một cấu trúc kinh tế tất cả cùng có lợi.
Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính Nhật Bản Akira Amari tại cuộc họp báo. Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, trong một cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 30/11, Bộ trưởng Chính sách Kinh tế và Tài chính nước này - ông Akira Amari - cho rằng bằng việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đã chọn vai trò là nước tham gia xây dựng bộ quy định thương mại mới cho toàn cầu. 

Bộ trưởng Akira Amari nhận định TPP tạo nên một cấu trúc kinh tế công bằng, tự do của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21. Với 12 nước tham gia hiệp định, TPP là liên kết kinh tế bao trùm một khu vực có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, chiếm tới 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới và một thị trường tiêu thụ khổng lồ có tới 800 triệu dân.

Ông nhấn mạnh TPP không chỉ là hiệp định mang tính chất dỡ bỏ thuế quan, mà còn nhằm xây dựng những quy định mới trên nhiều lĩnh vực như các quy định pháp luật liên quan đến môi trường, lao động, doanh nghiệp quốc doanh, giao dịch điện tử, sở hữu trí tuệ, thúc đẩy tự do hoá đầu tư, dịch vụ. Ông đánh giá TPP sẽ phát huy các lợi thế của những nước thành viên và thu hẹp khoảng cách phát triển công nghiệp giữa các nước. 

Bộ trưởng Akira Amari cho rằng TPP không phải là một ván cờ, trong đó có kẻ thắng người thua, mà là một cấu trúc kinh tế tất cả cùng có lợi, sẽ đem lại những thuận lợi và lợi ích cho tất cả các nước tham gia. TPP mở ra thế kỷ mới của châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) hiện có, TPP được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực kinh tế rộng lớn hơn cho các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Cuộc họp báo thông báo kết thúc đàm phán TPP. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Akira Amari cũng công bố Đại cương chính sách tổng hợp của Nhật Bản về TPP, được soạn thảo với mục tiêu tạo ra hệ thống chính sách cần thiết để vận dụng hiệu quả TPP nhằm phục hồi kinh tế Nhật Bản, đồng thời xoá tan những lo ngại của người dân về ảnh hưởng của thoả thuận này.

Theo Bộ trưởng Amari, hiệu quả mà TPP mang lại là sự tác động tích cực đến một phạm vi rộng lớn các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ song cho đến nay vẫn chưa tiếp cận thị trường nước ngoài. Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp này vừa tận dụng các lợi thế ở địa phương, kết hợp với kỹ thuật sẵn có để tiếp cận thị trường rộng lớn của TPP.

Hiệu quả của TPP không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận các thị trường nước ngoài, hiệp định này còn tạo ra tác động tích cực trên một phạm vi rộng lớn, từ việc thúc đẩy sự đổi mới thông qua việc tạo ra một chuỗi giá trị toàn cầu trong các hoạt động cung cấp các dịch vụ và sản phẩm mới. TPP còn được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP, thông qua việc thúc đẩy hoạt động đầu tư, giá trị gia tăng, nâng cao năng lực sản xuất. 

Bộ trưởng Amari khẳng định chính sách nhằm phát huy tối đa hiệu quả của TPP có vai trò vô cùng cần thiết với tư cách là kế hoạch thế kỷ nhằm phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước. Chính phủ Nhật Bản tuyên bố TPP là át chủ bài của chiến lược phát triển kinh tế Abenomics. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về những lợi ích của TPP đối với kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Amari đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam trong TPP, một cấu trúc kinh tế mà ông nhận định là bao gồm những tiêu chuẩn rất cao và mục tiêu đầy tham vọng. Theo ông, việc Việt Nam quyết định gắn tương lai kinh tế đất nước với TPP là một quyết định đúng đắn.

Theo Bộ trưởng Amari, TPP sẽ giúp cho ngành dệt may Việt Nam có lợi thế mở rộng tiếp cận thị trường Mỹ, đẩy mạnh hợp tác với các nước có nền công nghệ tiên tiến như Nhật Bản.

Ông nhận định TPP sẽ mang lại cho Việt Nam những tiêu chuẩn mới, quy định mới mà ông tin tưởng sẽ trở thành tiêu chuẩn, quy định chung của toàn cầu. Ông đánh giá bằng việc tham gia TPP, Việt Nam đã chọn không ở thế bị động phải tuân theo các quy định, tiêu chuẩn mới mà thay vào đó đã chọn cho mình vai trò chủ động, cùng tham gia xây dựng nên các tiêu chuẩn và quy định mới này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục