Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Nhiều yếu tố đang giúp “hạ nhiệt” lạm phát

10:03' - 19/07/2023
BNEWS Ngày 18/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết thị trường lao động đang hạ nhiệt cùng chi phí nhà ở và giá phương tiện là những yếu tố quan trọng giúp lạm phát tại nước này chậm lại.

Trả lời phỏng vấn báo chí, bà Yellen cho biết tốc độ tuyển dụng của các công ty Mỹ đang giảm dần còn thị trường lao động hạ nhiệt mà không tạo ra bất kỳ khó khăn thực sự nào.

 

Theo bà Yellen, mặc dù chưa thấy các công ty chủ động cắt giảm nhân công, ngoại trừ một số lĩnh vực như công nghệ, tốc độ tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp cũng đã suy giảm phần nào.

Bà Yellen cũng tin rằng không nhất thiết phải kiềm chế tăng trưởng tiền lương để chống lạm phát, đồng thời gợi ý về khả năng giảm tỷ suất lợi nhuận của các công ty để giảm áp lực tăng giá.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nêu rõ tỷ suất lợi nhuận của các công ty đang khá cao và có một số khía cạnh mang tính chu kỳ. Vì vậy, bà cho rằng có thể giảm lạm phát mà không có sự điều tiết về tiền lương.

Cùng với sự thay đổi của thị trường lao động, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng chi phí nhà ở và giá phương tiện là những yếu tố có thể tiếp tục giúp giảm áp lực giá cả. Tuy nhiên, bà Yellen lưu ý không nên quá lạc quan vào số liệu giá tiêu dùng tháng Sáu vì đây chỉ là số liệu trong vòng một tháng.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhận định nhà ở là lĩnh vực đã góp phần giúp giảm lạm phát gần đây và có nhiều lý do cho thấy điều này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Đối với hàng hóa, bà Yellen chỉ ra rằng ngành ô tô cho thấy tín hiệu tích cực về chuỗi cung ứng, vốn bị gián đoạn trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát.

Theo người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ, ô tô đã qua sử dụng đã góp phần đáng kể vào giảm lạm phát cơ bản, trong khi lượng hàng tồn kho đang phục hồi và toàn bộ chuỗi cung ứng ô tô đang được cải thiện.

Lạm phát giảm đã khiến các nhà kinh tế và nhà đầu tư đánh giá lại rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Ngân hàng Goldman Sachs hôm 17/7 đã hạ ước tính về khả năng nền kinh tế hàng đầu thế giới này xảy ra suy thoái từ mức 25% trước đó xuống còn 20%.

Trong khi đó, ông Marko Kolanovic, chiến lược gia kinh tế của ngân hàng JPMorgan, cho rằng khả năng "hạ cánh mềm" của nền kinh tế Mỹ đã trở nên rộng mở hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục