Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Trung Quốc không nên có động thái phá giá đồng nội tệ

17:46' - 10/10/2018
BNEWS Trong nhiều tuần qua, đồng NDT đã giảm giá so với đồng USD, giảm 9% trong vòng 6 tháng, khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn dù đang bị Mỹ áp thuế nhập khẩu cao.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong cuộc họp báo tại Washington DC. Ảnh: AFP/ TTXVN

Phát biểu trên tờ Financial Times số ra ngày 10/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh báo Trung Quốc không nên có động thái phá giá đồng nội tệ để cạnh tranh trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa hai nước.

Bộ trưởng Mnuchin đưa ra tuyên bố trên trước thềm các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Bali, Indonesia trong tuần này.

Ông cho rằng có một số yếu tố khiến đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc giảm giá, bao gồm cả các vấn đề kinh tế tại quốc gia châu Á này.

Bộ trưởng Mnuchin mong muốn đưa vấn đề tiền tệ vào nội dung các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện giới chức hai nước không có kế hoạch gặp bên lề hội nghị thường niên IMF-WB đang diễn ra tại Nusa Dua trên đảo Bali.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng nội tệ thông qua việc làm suy yếu đồng NDT để giành được ưu thế trong cạnh tranh thương mại với Mỹ.

Trong nhiều tuần qua, đồng NDT đã giảm giá so với đồng USD, giảm 9% trong vòng 6 tháng, khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn dù đang bị Mỹ áp thuế nhập khẩu cao. Trong khi đó, giá trị đồng USD đã tăng 4% trong năm nay.

Tiền giấy mệnh giá 20 và 100 nhân dân tệ của Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tháng Chín vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng nước này phá giá đồng nội tệ để gia tăng lợi thế cạnh tranh. Ông khẳng định việc phá giá đồng NDT chỉ gây thiệt hại nhiều hơn là mang lại lợi ích cho Trung Quốc.

Vì vậy, Bắc Kinh sẽ không chọn cách làm suy yếu đồng NDT để kích thích xuất khẩu. Ông nhấn mạnh hệ thống thương mại đa phương của thế giới cần phải được duy trì, và các hành động thương mại đơn phương sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ tháng Bảy vừa qua, khi chính quyền của Tổng thống Trump áp thuế mới đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm cải thiện tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, hiện đã lên đến 500 tỷ USD.

Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này có nhiều hành động trả đũa lẫn nhau thông qua các biện pháp thuế quan, bất chấp một loạt nỗ lực nhằm giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang là một trong những nguyên nhân khiến IMF hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm sau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục