Bộ Y tế đánh giá nguy cơ bệnh COVID-19 tại Việt Nam

17:20' - 26/05/2025
BNEWS Cục Phòng bệnh cho biết vừa phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương đánh giá nguy cơ bệnh COVID-19 tại Việt Nam.

Chưa có bằng chứng gây triệu chứng nghiêm trọng hơn

Theo đó, tính đến ngày 25/5/2025, toàn thế giới có hơn 777 triệu ca mắc và hơn 7 triệu ca tử vong.

 

Tại khu vực châu Á ghi nhận sự gia tăng số mắc, nhất là số nhập viện (Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Thái Lan…), tuy nhiên tình hình chung ở những quốc gia này vẫn trong tầm kiểm soát, năng lực bệnh viện vẫn ổn định.

“Từ đầu năm 2025, xu hướng biến thể SARS-CoV-2 toàn cầu có sự thay đổi, với LP.8.1 thay thế XEC trở thành biến thể chiếm ưu thế vào giữa tháng 3/2025. Thời gian gần đây LP.8.1 đang suy giảm khi NB.1.8.1 là một biến thể đang được theo dõi (VUM) có các đột biến liên quan đến khả năng lây truyền cao hơn, đang gia tăng về mức độ phổ biến (chiếm 10,7% kết quả giải trình tự gen toàn cầu vào giữa tháng 5 năm 2025). Tuy nhiên các biến thể mới này không có nguy cơ gia tăng đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể lưu hành khác. Biến thể NB.1.8.1 được phát hiện vào đầu năm 2025, hiện đã ghi nhận tại 23 quốc gia (Singapore, Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc, Canada, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…)”, Cục Phòng bệnh cho biết.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tác động của COVID-19 đến sức khỏe con người đã giảm dần vào năm 2023 và 2024, tuy nhiên bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành trên toàn thế giới, có xu hướng gia tăng, bùng phát tại nhiều quốc gia, trong đó có một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore... Đến nay chưa có bằng chứng gây triệu chứng nghiêm trọng hơn của các biến thể COVID-19 trong đợt này và WHO cũng chưa có cảnh báo mới đối với COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận rải rác 641 trường hợp mắc tại 39 tỉnh, thành phố, không có tử vong. Trong đó thành phố Hà Nội (153 trường hợp mắc), Hải Phòng (138), Thành phố Hồ Chí Minh (80), Quảng Ninh (46), Bắc Giang (24), Bắc Ninh (24), Thái Nguyên (23). 32 tỉnh, thành phố khác ghi nhận rải rác dưới 20 ca mắc/tỉnh, hiện nay không ghi nhận các ổ dịch tập trung, tuy nhiên có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương có gia tăng các trường hợp nhập viện chủ yếu trong tháng 5/2025 là các bệnh nhân trên địa bàn Thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), biến thể NB.1.8.1 chiếm hầu hết các mẫu giải trình tự gene từ các bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong tuần thứ 3 của tháng 5/2025 tại bệnh viện.

Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 rải rác tại một số địa phương, không ghi nhận các ổ dịch tập trung. Hiện chuẩn bị vào kỳ nghỉ hè, nhu cầu du lịch, đi lại tăng cao, tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây truyền bệnh, nên không loại trừ khả năng gia tăng các trường hợp mắc tại nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên có thể sẽ không gia tăng các trường hợp nặng do biến thể của SARS-CoV-2.

Không để tình trạng ứng phó thụ động, bất ngờ

Trước tình hình bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã chủ động phối hợp với WHO, các đơn vị liên quan đánh giá nguy cơ và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động, thường xuyên phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, thực hiện lấy mẫu đại diện tại các ổ dịch, nhất là các trường hợp mắc bệnh nặng để xét nghiệm xác định các biến thể và theo dõi sự lây lan của dịch bệnh.

Các địa phương tiếp tục thực hiện các hoạt động kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025 theo Quyết định số 3984/QĐ-BYT ngày 29/10/2023 của Bộ Y tế. Rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo dự báo tình hình bệnh dịch, không để tình trạng ứng phó thụ động, bất ngờ.

Các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị, cấp cứu kịp thời người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong. Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị y tế, vật tư y tế để tổ chức thu dung, cách ly, chẩn đoán, điều trị. Tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh, người hỗ trợ chăm sóc người bệnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại cơ sở y tế.

Tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm, đặc biệt là lây nhiễm qua đường hô hấp để hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Có giải pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, bệnh nặng, người cao tuổi...), khu vực hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật… Đồng thời tăng cường công tác vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch và bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở tăng cường truyền thông về phòng, chống dịch bệnh. Xây dựng, cập nhật các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng chống dịch bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của từng địa phương.

Các địa phương hướng dẫn cho các đơn vị quản lý tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí, các trung tâm thương mại, địa điểm công cộng tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân (đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế; hạn chế tụ tập nơi đông người nếu không cần thiết; rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…).

Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh truyền nhiễm, giám sát các tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc người bệnh.

Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

5 khuyến cáo phòng, chống bệnh COVID-19

Để chủ động phòng, chống bệnh COVID-19, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế.

2. Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết).

3. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.

5. Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với WHO và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.

Nguồn: https://baotintuc.vn/y-te/bo-y-te-danh-gia-nguy-co-benh-covid19-tai-viet-nam-20250526173532577.htm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục