BoE cảnh báo suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thế kỷ

12:47' - 24/04/2020
BNEWS Ngân hàng Anh (BoE - ngân hàng trung ương) ngày 23/4 cảnh báo nền kinh tế Anh đã bị tổn hại nặng nề do đại dịch COVID-19 và có khả năng rơi vào suy thoái trầm trọng nhất trong nhiều thế kỷ qua.

Nhà hoạch định chính sách của BoE, ông Gertjan Vlieghe đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh các số liệu khảo sát cho thấy hoạt động kinh doanh tại Anh đã đình trệ đáng kể trong tháng này sau lệnh phong tỏa để chống dịch COVID-19 được áp đặt cả trong nước và nước ngoài.

Ông Vlieghe nhận định: "Căn cứ các chỉ số khảo sát sớm, và dựa trên kinh nghiệm của các nước khác bị tác động của dịch bệnh COVID-19 có phần sớm hơn Anh, dường như chúng ta đang trải qua tình trạng suy giảm kinh tế nhanh hơn và sâu hơn bất kỳ sự giảm sút nào mà chúng ta từng chứng kiến trong thế kỷ qua, thậm chí có thể trong vài thế kỷ qua".

Anh đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 23/3 để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Biện pháp này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế của "xứ sở sương mù".

Trước đó, BoE khẳng định các ngân hàng của nước này có đủ nguồn tài chính để tiếp tục hoạt động cho vay. Hiện các ngân hàng Anh cung cấp các khoản vay theo một chương trình do chính phủ hỗ trợ để giúp các công ty duy trì hoạt động trong thời gian phong tỏa toàn quốc.

Cùng ngày 23/4, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB - ngân hàng trung ương) cho biết ngân hàng này đã thua lỗ  38,2 tỷ CHF (tương đương 39,2 tỷ USD) trong quý I/2020 do những bất ổn trên thị trường chứng khoán liên quan dịch COVID-19. Đây là mức lỗ tồi tệ nhất của SNB kể từ khi thành lập năm 1907.

Phóng viên TTXVN tại Geneva dẫn tuyên bố cùng ngày của SNB cho biết các biện pháp được thực hiện để ngăn chặn đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tài chính từ giữa quý I trở đi và theo đó SNB cũng bị ảnh hưởng. Kết quả tài chính của SNB phụ thuộc phần lớn vào các diễn biến trên thị trường vàng, ngoại hối và vốn.

Tuy nhiên, tuyên bố nêu rõ SNB không tìm cách kiếm lợi nhuận từ dự trữ của mình mà phải là một phần quan trọng trong chính sách tiền tệ để duy trì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Thụy Sĩ.

SNB cam kết sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để cố gắng giữ giá trị đồng CHF, vốn chịu nhiều áp lực tăng giá trong nhiều năm do lãi suất cực thấp ở các thị trường phát triển khác. Kể từ năm 2015, chính sách tiền tệ của SNB dựa trên mức lãi suất âm 0,75%.

Bên cạnh chính sách lãi suất âm, SNB thường xuyên bán đồng CHF trên thị trường quốc tế và mua tài sản bằng ngoại tệ trong nỗ lực giảm giá đồng CHF.

Trong quý IV/2019 SNB đạt mức lợi nhuận 48,9 tỷ CHF (tương đương 50 tỷ USD).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục