BoE tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1989

20:06' - 03/11/2022
BNEWS BoE cho biết sẽ vẫn cần phải tăng thêm lãi suất để kiềm chế lạm phát, kéo lạm phát trở lại mục tiêu 2%, nhưng tỷ lệ đỉnh sẽ thấp hơn mức mà thị trường tài chính mong đợi hiện nay.
Trưa ngày 3/11, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lên 3% sau cuộc họp của Uỷ ban Chính sách Tiền tệ (MPC) thuộc BoE. Đây được coi là lần tăng lãi suất lớn nhất của BoE kể từ năm 1989.

 
Quyết định tăng lãi suất lên 3% của BoE nằm trong dự đoán của nhiều nhà kinh tế nhằm làm dịu lạm phát của Anh vốn đã tăng vọt trong năm nay và để đối phó với các hóa đơn năng lượng và thực phẩm đang tăng lên.

Đây là lần tăng lãi suất thứ tám liên tiếp của BoE, làm tăng chi phí đi vay, bất chấp những dự báo ảm đạm cho thấy triển vọng kinh tế Anh xấu đi trong năm tới. Tuy nhiên, BoE cho biết sẽ vẫn cần phải tăng thêm lãi suất để kiềm chế lạm phát, kéo lạm phát trở lại mục tiêu 2%, nhưng tỷ lệ đỉnh sẽ thấp hơn mức mà thị trường tài chính mong đợi hiện nay.

BoE đang quyết tâm thắt chặt chính sách tiền tệ, sau khi lạm phát giá tiêu dùng tại Anh đạt mức cao nhất trong 40 năm qua, ở mức 10,1% vào tháng Chín (cao gấp 5 lần so với mục tiêu 2%), do giá lương thực tăng cao cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng.

BoE cũng lo ngại rằng, lạm phát cao sẽ tạo ra một vòng xoáy giá cả tiền lương, với việc người lao động tìm cách được tăng lương để không quá phải siết chặt các chi phí sinh hoạt.

Trong dự báo kinh tế đi kèm với quyết định lãi suất, BoE cũng cảnh báo rằng, Anh đang đối mặt với cuộc suy thoái dài nhất kể từ cuộc đại suy thoái xảy ra một thế kỷ trước. Cuộc suy thoái có thể sẽ kéo dài trong hai năm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng gần gấp đôi.

Trước đó, BoE dự báo Anh sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm nay và sẽ kéo dài đến hết năm 2023.

Hiện BoE dự báo nền kinh tế Anh đã bước vào giai đoạn suy thoái vào mùa Hè, điều sẽ tiếp tục kéo dài trong năm tới và đến nửa đầu năm 2024 - năm có thể diễn ra tổng tuyển cử.

Mặc dù đây sẽ không phải là thời kỳ suy thoái sâu nhất của Anh, nhưng đây sẽ là thời kỳ dài nhất kể từ khi số liệu được thu thập vào những năm 1920.

Lạm phát, đạt 10,1% vào tháng 9/2022, dự kiến sẽ đạt đỉnh 11% vào mùa Đông năm nay trước khi giảm vào năm sau.

Đồng bảng Anh giảm mạnh sau khi BoE công bố lãi suất và cảnh báo suy thoái, với mức giảm 1,4% xuống 1,123 USD/bảng và giảm 0,8% so với đồng euro xuống 1,15 euro/bảng.

Ông Shweta Singh, nhà kinh tế cấp cao tại công ty quản lý quỹ Cardano, cho biết BoE phải đối mặt với một nhiệm vụ rất khó khăn. Ông nói: “BoE đang phải đối mặt với một hành động cân bằng cực kỳ khó khăn trong việc sắp xếp các đợt tăng lãi suất lớn trong một nền kinh tế suy thoái”.

BoE cũng muốn trấn an thị trường, sau tình trạng hỗn loạn gây ra bởi gói “Ngân sách nhỏ” thảm hại, khiến đồng bảng Anh bị trượt giá mạnh và làm tăng chi phí đi vay của chính phủ.

Nhưng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang được coi là “đi trong bóng tối” khi Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt trước đó đã tuyên bố lùi ngày công bố kế hoạch tài chính trung hạn, trong đó đề cập chi tiết đến việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu cho đến ngày 17/11 tới. Do đó, sự thiếu rõ ràng về chính sách của chính phủ khiến nhiệm vụ của BoE trở nên khó khăn hơn.

Phản hồi ngay sau khi quyết định tăng lãi suất của BoE được công bố, Bộ trưởng Tài chính nói: “Lạm phát là kẻ thù và đang đè nặng lên các gia đình, những người hưu trí và các doanh nghiệp trên cả nước. Đó là lý do tại sao ưu tiên số một của chính phủ là kiềm chế lạm phát và hiện BoE đã thực hiện hành động phù hợp với mục tiêu của họ là đưa lạm phát trở lại mục tiêu”.

Ông Hunt cho rằng, lãi suất đang tăng trên toàn thế giới khi các quốc gia đang phải chịu tình trạng giá cả sinh hoạt tăng cao phần lớn là do đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Ông nói thêm: “Tiền tệ tốt và nền kinh tế ổn định là những cách tốt nhất để mang lại lãi suất thế chấp thấp hơn, nhiều việc làm hơn và tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, không có lựa chọn nào dễ dàng và chúng tôi sẽ cần phải đưa ra những quyết định khó khăn về thuế và chi tiêu để đạt được điều đó ”.

>>>Các ngân hàng trung ương chạy đua lãi suất theo Fed

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục