Boeing 737 MAX và sự ảnh hưởng đàm phán thương mại Mỹ Trung

07:05' - 20/03/2019
BNEWS Vai trò then chốt của Trung Quốc trong việc đình chỉ khai thác dòng máy bay đang dính bê bối Boeing 737 MAX 8 cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của nước này trong lĩnh vực hàng không.
Máy bay Boeing 737 Max 8 hạ cánh tại sân bay Reagan ở Washington D.C., Mỹ, ngày 13/3/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

Vai trò then chốt của Trung Quốc trong việc đình chỉ khai thác dòng máy bay đang dính bê bối Boeing 737 MAX 8 cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của nước này trong lĩnh vực hàng không toàn cầu, đồng thời đây cũng tạo cho Bắc Kinh lợi thế mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại với Washington.

Trước đó, ngày 11/3, Trung Quốc ra chỉ thị cấm các hãng hàng không quốc gia khai thác dòng máy bay Boeing 737 MAX, một ngày sau vụ tai nạn của chiếc Boeing 737 MAX 8 thuộc hãng hàng không Ethiopian Airways khiến 157 người thiệt mạng.

Quyết định này đã tạo ra hiệu ứng domino khi hàng loạt quốc gia khác cũng đưa ra quyết định tương tự, và được đưa ra hai ngày trước khi chính quyền Tổng thống Trump và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh đình chỉ bay với loại máy bay này.

Động thái trên gây bất ngờ bởi trước đây, Trung Quốc thường tuân theo hướng dẫn của FAA.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích hàng không, bất kể là cuộc chiến thương mại hay sự đối đầu giữa hai cường quốc lớn, đây là quyết định mà Trung Quốc cần phải đưa ra.

Ngoài ra, lập trường của Trung Quốc đối với dòng máy bay Boeing 737 cũng trao cho Bắc Kinh thêm lợi thế khi đàm phán tranh chấp thương mại với Washington.

Máy bay là một trong những phân khúc sản phẩm lớn nhất khi xét tới giá trị xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, và sẽ không khó để nhận ra Bắc Kinh tận dụng quyết định cấm bay đối với 737 MAX 8 để làm “lá bài” mặc cả.

Việc Trung Quốc cấm dòng máy bay Boeing 737 MAX sau vụ tai nạn thảm khốc của hãng hàng không Ethiopian Airlines còn phủ bóng đen lên các nhà sản xuất máy bay Mỹ - vốn đang hy vọng về những đơn đặt hàng lớn có liên quan tới một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.

Thậm chí trước khi xảy ra khủng hoảng Boeing 737 MAX, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã trở thành vấn đề gây rủi ro ngày càng lớn cho Boeing, vì cứ 4 máy bay của hãng này thì có 1 chiếc được bán cho Trung Quốc.

Giới phân tích dự báo Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới.

Nước này đang mua các máy bay do Boeing và Airbus sản xuất trong khi cũng đầu tư mạnh vào hoạt động sản xuất máy bay ở trong nước.

Boeing ước tính nhu cầu 7.700 chiếc máy bay trong vòng 20 năm tới của Trung Quốc trị giá 1,2 nghìn tỷ USD./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục