Booking.com - "cánh én" trong mùa COVID-19

14:41' - 16/08/2021
BNEWS Bằng cách đầu tư vào công nghệ giúp loại bỏ những phiền toái khi du lịch, Booking.com đã kết nối hàng triệu du khách với các trải nghiệm đáng nhớ, nhiều lựa chọn vận chuyển và các chỗ nghỉ tuyệt vời.

Tác động của dịch COVID-19 đối với cuộc sống hàng ngày đã khiến năm qua trở thành một trong những năm khó khăn nhất mà Booking.com phải trải qua.

Việc duy trì khoảng cách và ở nhà đã trở thành một phần của cuộc sống bình thường mới. Mặc dù những ngày khó khăn vẫn còn ở phía trước, song các nghiên cứu mới cho thấy rằng khát khao khám phá thế giới vẫn không bị suy giảm.

*Vượt qua khó khăn

Với mong muốn giúp mọi người trải nghiệm thế giới dễ dàng hơn, cũng như nhận thấy "khoảng trống" trên thị trường nền tảng đặt phòng khách sạn trực tuyến, vào năm 1996 tại Amsterdam (Hà Lan) nhà sáng lập Geert-Jan Bruinsma đã cho ra mắt trang web du lịch đặt phòng trực tuyến Booking.com để hiện thực hóa mục tiêu của mình.

Bằng cách đầu tư vào công nghệ giúp loại bỏ những phiền toái khi du lịch, Booking.com kết nối hàng triệu du khách với các trải nghiệm đáng nhớ, nhiều lựa chọn vận chuyển và các chỗ nghỉ tuyệt vời.

Nền tảng này cung cấp tổng cộng hơn 28 triệu đăng ký chỗ nghỉ, gồm 148.000 điểm đến tại 228 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Mỗi ngày, hơn 1.550.000 đêm lưu trú được đặt trước trên Booking.com.

Một ưu điểm để Booking.com có thể dễ dàng tiếp cận tới nhiều khách hàng là nền tảng này hỗ trợ 43 ngôn ngữ khác nhau.

Dù du khách muốn chu du đến bất kỳ phương trời nào hay thích chinh phục những thử thách "khó nhằn" gì, Booking.com sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và luôn hỗ trợ 24/7.

Từ một nhóm khởi nghiệp nhỏ, Booking.com cũng đã phải trải qua vô vàn thách thức để trở thành một trong các công ty hàng đầu thế giới về cung cấp dịch vụ du lịch dựa trên nền tảng số hóa.

Tháng 11/2014, Booking.com đã vướng vào sự cố làm rò rỉ thông tin khách hàng. Theo một báo cáo, một số tin tặc có khả năng đã truy cập vào thông tin của khách hàng từ trang web.

Booking.com cho biết họ cố gắng chung tay chống lại những kẻ lừa đảo và hoàn tiền cho khách hàng từ Anh, Mỹ, Pháp, Italy, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bồ Đào Nha.

Sau sự việc này, Booking.com đã thực hiện các thay đổi để dữ liệu chỉ có thể được truy cập vào từ máy tính được liên kết đến máy chủ của khách sạn. Công ty cũng đã "gỡ" hàng chục trang web lừa đảo, và hợp tác với một số ngân hàng để đóng băng các tài khoản ngân hàng ma.

Chỉ vài tháng sau đó, Booking.com bị cáo buộc chiếm quyền điều khiển thương hiệu của chủ khách sạn Đức. Đến năm 2017, một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng các hoạt động của Booking.com do vi phạm luật cạnh tranh của quốc gia.

Booking.com tạm dừng bán phòng ở nước này cho người dùng Thổ Nhĩ Kỳ, tuân theo lệnh chặn trang web. Tuy nhiên, trang web và ứng dụng có thể được sử dụng từ nước ngoài để đặt phòng cho các khách sạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Sang đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến ngành du lịch thế giới “điêu đứng” và làm gián đoạn hoạt động kinh tế trên toàn cầu. Việc chính phủ các nước đóng cửa biên giới và áp đặt các hạn chế đi lại, buộc người dân ở nhà để ngăn chặn dịch bệnh lây lan là một cú sốc đối với Booking.com.

Lượng đặt phòng trên nền tảng này trong quý I và quý II của năm 2020 giảm lần lượt là 51% và 91%.

Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) công bố báo cáo cho thấy dịch COVID-19 đã khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại 1.300 tỷ USD trong năm 2020, cao hơn 11 lần so với mức thiệt hại mà ngành này từng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009.

Trước những tác động mà dịch COVID-19 đã gây ra đối với ngành du lịch, 95% khách du lịch trên toàn cầu cho rằng ngành này cần được hỗ trợ để có thể đứng vững trở lại. 66% tin rằng các chương trình kích thích tài chính của chính phủ hiện là cần thiết để giúp du lịch phục.

Về các quy định thực tế hơn, 72% khách du lịch cho rằng cần tiếp cận rộng rãi hơn để xét nghiệm COVID-19 trước khi đi du lịch và 70% nói rằng các chính phủ nên hợp tác với các hiệp hội và nhà cung cấp du lịch để đặt ra các tiêu chuẩn nhất quán hơn.

Mới đây, Booking.com cho biết doanh thu quý II/2021 đã tăng hơn gấp ba lần và tăng gấp đôi so với ước tính nhờ nhu cầu mạnh mẽ ở các thị trường châu Âu và Mỹ khi nhiều người lên kế hoạch đi nghỉ đã bị trì hoãn từ lâu. 

Doanh thu của Booking.com đã tăng lên 2,16 tỷ USD, vượt ước tính doanh thu 1,90 tỷ USD của Phố Wall.

Trong khi khoản lỗ ròng đã điều chỉnh giảm xuống còn 105 triệu USD so với mức 443 triệu USD một năm trước đó. 

Số đêm lưu trú, một thước đo công suất thuê tại bất kỳ cơ sở kinh doanh nào, trong quý II/2021 đã tăng 59% so với ba tháng trước đó, nhờ nhu cầu mạnh mẽ ở châu Âu và Mỹ.

Cho dù dịch COVID-19 hiện vẫn chưa kết thúc song Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Tiếp thị của Booking.com Arjan Dijk cho hay, Booking.com tin tưởng rằng tại một thời điểm nào đó trong tương lai không xa, mọi người có thể lại được đi du lịch và trải nghiệm thế giới cùng nhau nhờ những nỗ lực chung tay ứng phó đại dịch "không biết mệt mỏi" của cộng đồng thế giới.

*Điểm tựa cho niềm tin

Sau nhiều tháng bị hạn chế, các du khách cuối cùng cũng bắt đầu nhìn thấy “ánh sáng nơi cuối con đường” nhờ vào việc triển khai vaccine, cũng như sự phát triển của các tiến bộ y tế đột phá khác trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.

66% người tham gia khảo sát của Booking.com trên toàn cầu cảm thấy hy vọng hơn về việc đi lại vào năm 2021.

Sự tin tưởng vào vaccine ngày càng lớn, với 59% người được hỏi nói rằng họ sẽ không xuất ngoại cho đến khi được tiêm vaccine, trong khi 55% người nói rằng họ sẽ chỉ đi du lịch đến các nước đã triển khai chương trình tiêm chủng.

Tuy nhiên, vẫn còn một số do dự về việc liệu một loại vaccine có thực sự giúp việc đi lại an toàn hơn hay không.

Nhằm giúp khách hàng có thể khám phá các điểm đến mà họ mong muốn một cách an toàn, Booking.com đã cố gắng làm việc với các đối tác để cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết và hữu ích nhất đến cho khách hàng.

Theo Booking.com, trong trạng thái bình thường mới, việc cung cấp thông tin về các quy trình vệ sinh khử khuẩn tại chỗ nghỉ hết sức cần thiết để nâng cao niềm tin của khách du lịch, đáp ứng nhu cầu và mong đợi của họ về địa điểm lưu trú.

Booking.com cũng đã giới thiệu một số tính năng trên nền tảng của mình để giúp người đặt phòng đưa ra quyết định dễ dàng và sáng suốt hơn như đề xuất các điểm đến phổ biến lân cận trong nước, giúp du khách dễ dàng tìm thấy chỗ nghỉ dựa trên vị trí gần các bãi biển hoặc thiên nhiên; đề xuất các điểm đến tương tự gần đó trong trường hợp lượng phòng trống thấp; giới thiệu các bộ lọc tìm kiếm mới và nội dung về sức khỏe và an toàn liên quan đến dịch COVID-19 cùng những nội dung khác.

Ngoài ra, Booking.com cũng tung ra ưu đãi dành cho khách đặt lại chỗ nghỉ đã hủy do COVID-19 khi phải chứng kiến tỷ lệ hủy đặt phòng tăng cao chưa từng thấy.

Những khách đã hủy đặt phòng không hoàn tiền hoặc không hoàn tiền một phần trong thời gian áp dụng điều kiện của Sự kiện Bất khả kháng sẽ nhận được thư mời để đặt lại chính chỗ nghỉ đó khi hạn chế đi lại được nới lỏng, với ưu đãi hoàn tiền 15% trên giá đặt lại.

Booking.com cũng sẽ miễn tất cả hoa hồng cho các đặt phòng này. Bên cạnh đó, Booking.com đã giới thiệu các công cụ và ưu đãi như chính sách “Flexible - 1 Day”, giúp khách linh hoạt hơn và cho phép họ hủy đặt phòng mà không phải trả phí tối đa một ngày trước ngày đến.

Với các đối tác, Booking.com đã tiến hành tư vấn cho họ về việc thực hiện các biện pháp an toàn và sức khỏe, cung cấp sự linh hoạt trong việc đặt phòng và tối ưu hóa giá cả để thúc đẩy nhu cầu lưu trú.

Chủ khách sạn và chỗ nghỉ có thể chọn các biện pháp phòng dịch trong nhiều hạng mục khác nhau như vệ sinh, khử khuẩn, giãn cách xã hội và an toàn thực phẩm, sau đó hiển thị trên trang đặt phòng của Booking.com để cung cấp thông tin cho du khách khi lên kế hoạch cho chuyến đi.

Thông tin chính thống trở nên giá trị hơn bao giờ hết trong thời đại tràn ngập những tin sai lệch và thị trường thay đổi liên tục.

Booking.com khuyến nghị các đối tác cần cập nhật các quy chuẩn mới nhất cho du khách và sẵn sàng kết nối trên các kênh trực tuyến như nền tảng đặt phòng và trang truyền thông xã hội.

Lấy công nghệ làm giá trị cốt lõi, Booking.com không ngừng đổi mới sản phẩm để mang lại cơ hội kinh doanh mới cho các đối tác, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các cải tiến hỗ trợ dịch vụ bao gồm các công cụ kỹ thuật số và phân tích xu hướng tiêu dùng cho các đối tác để đáp ứng bối cảnh du lịch đang thay đổi một cách hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục