Brexit: Cơ hội tái cấu trúc tài chính châu Âu

06:30' - 05/12/2018
BNEWS Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp François Villeroy de Galhau nhìn nhận việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu là cơ hội cho ngành tài chính Paris cũng như nhiều trung tâm lớn khác của châu Âu.
Cờ Liên minh châu Âu (EU) và Quốc kỳ Anh tại London (Anh). Ảnh: AFP/ TTXVN 

Tuy nhiên, với những “người chơi” chỉ sở hữu tiềm lực tài chính khiêm tốn thì còn rất nhiều việc phải giải quyết trước tháng 3/2019, theo phân tích của bài báo trên trang mạng Euractiv.fr.

Theo trình tự quy định, thỏa thuận đạt được về các điều khoản ly dị giữa Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh còn phải được tất cả các bên chấp thuận. Nguy cơ về một Brexit "không có thỏa thuận" vẫn lơ lửng đâu đó và điều này đang ám ảnh tâm trí của không ít quan chức tài chính của châu Âu.

Ngày 24/11, ông François Villeroy de Galhau đã nhắc nhở các nhà quản lý tài chính của nước này rằng nếu Brexit “cứng” xảy ra thì người châu Âu phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó.

Bất chấp bầu không khí nghi ngại, thời điểm sau tháng 3/2019 vẫn được xem là một cơ hội cho tương lai của ngành tài chính EU. Lãnh đạo ngân hàng trung ương Pháp cho rằng Brexit cũng là dịp tốt để tái cơ cấu hệ thống tài chính châu Âu.

Ông cho biết tương lai sẽ không còn mô hình chỉ một trung tâm tài chính duy nhất cho cả châu lục mà sẽ là một mạng lưới đa trung tâm được tích hợp từ nhiều trung tâm tài chính nhỏ hơn.

Trung tâm tài chính London cho đến nay vẫn luôn là hạt nhân của thị trường tài chính châu Âu. Sau khi Anh quyết định rời khỏi EU, “thủ đô kinh tế" Frankfurt của Đức nghiễm nhiên được xem là người thừa kế vai trò này từ “người anh em” của mình ở đảo quốc sương mù.

Ông François Villeroy de Galhau chắc chắn rằng Brexit sẽ làm xuất hiện một số trung tâm tài chính ở châu Âu tương tự như New York, Chicago hay Boston của Mỹ. Ông đánh giá Paris hội tụ tất cả các lợi thế để có thể trở thành một cực của thị trường tài chính với sự hiện diện từ lâu của nhiều ngân hàng lớn cùng đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn rất cao.

Theo Phó tổng thư ký Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính (AMF) Xavier Parain, bối cảnh trên khá hấp dẫn với các định chế tài chính, và thực tế là nó đã quyến rũ được gã khổng lồ ngân hàng HSBC.

Cuộc chạy đua quốc tế đã thúc đẩy việc thành lập tại thủ đô Paris của nước Pháp những cầu nối mới liên kết các hoạt động tài chính trên khắp châu Âu. Trong khi “người chơi lớn” đã thành công với những bước đi đón đầu Brexit thì các thực thể nhỏ hơn lại chưa thực sự nỗ lực để thay đổi.

Các tập đoàn lớn đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với Brexit nhưng hầu hết các thực thể nhỏ vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng, một số còn chờ và nghe ngóng để ra quyết định vào phút chót.

Trong quý vừa rồi, số hồ sơ xin cấp phép gửi tới văn phòng của các cơ quan có thẩm quyền về tài chính của Pháp đã tăng gấp đôi so với thông thường. Với sự chấp thuận của Cơ quan Giám sát an toàn Pháp (ACPR), một công ty quản lý được phép hoạt động tại quốc gia này mà không nhất thiết phải mở trụ sở. Các công ty Anh sẽ buộc phải làm theo cách này vì hộ chiếu châu Âu của họ sẽ hết giá trị sau Brexit.

Phó chủ tịch ACPR Bernard Delas cho biết hiện vẫn còn khoảng năm mươi hồ sơ đang trong quá trình thụ lý, và ông cho rằng như vậy là rất muộn. ACPR đang rất nỗ lực để tất cả có thể sẵn sàng vào thời điểm cuối tháng 3/2019. 

Nỗi lo lớn nhất của chính quyền châu Âu là hiện tượng"rỗng ruột", tức một thực thể được tạo ra tại một quốc gia EU để duy trì vị thế hợp pháp của họ trong thị trường chung châu Âu, nhưng lại không hề có nguồn nhân lực và phương tiện để kinh doanh một cách thực sự.

EU đang theo dõi chặt chẽ các hành vi tái bố trí nói trên với sự hợp tác hết sức chặt chẽ. Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp, người từng kêu gọi Chính phủ Pháp và Đức tôn trọng chương trình nghị sự Meseberg được vạch ra đầu mùa Hè vừa qua về cải cách châu Âu, cho rằng sự thống nhất này sẽ đẩy nhanh tiến trình hình thành một liên minh về ngân hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục