Brexit có thể một lần nữa gây chia cắt Ireland

06:30' - 26/07/2017
BNEWS Theo báo Le Soir của Bỉ, tương lai xảy ra việc đóng cửa biên giới giữa hai vùng lãnh thổ Ireland sau sự kiện Brexit làm dấy lên mối lo ngại về một thời kỳ bất ổn tại khu vực này.
Brexit có thể một lần nữa gây chia cắt Ireland. Ảnh: Reuters

Từ nhiều năm nay, sự hội nhập sâu rộng của các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đã làm nhòa đi hình ảnh về các đường biên giới với những trạm kiểm soát, và ý nghĩa của cụm từ chủ quyền quốc gia hầu như đã hoàn toàn thay đổi trong một thế giới “phẳng” với quyền tự do đi lại và tự do thương mại.

Các Hiệp định độc lập vào năm 1922 đã duy trì sự tự do đi lại của công dân giữa Cộng hòa Ireland mới và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, nguyên tắc trên đã bị xem xét lại từ những năm 1960, khi bắt đầu xảy ra bạo lực giữa các tín đồ Tin lành và người Thiên chúa giáo.

Đường biên giới được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ để ngăn các nhóm độc lập có thể cung cấp hoặc cất giấu vũ khí tại miền Nam cũng như ngầm tái khẳng định sự khác biệt giữa hai cộng đồng người trên đảo Ireland. Tại khu vực biên giới, các trạm kiểm soát với các nhân viên vũ trang mọc lên ngày càng nhiều.

Nghịch lý là trong khi xung đột leo thang vào thập kỷ 1960 và vấn đề biên giới xảy ra tại đảo Ireland thì trên “lục địa già” lại đồng thời xuất hiện một xu hướng có thể nói là hoàn toàn trái ngược.

Với sự phát triển của một thị trường chung bao gồm các nước như Đức, Pháp, Italy và các nước Benelux, tiến trình dẫn đến sự xuất hiện một mô hình châu Âu tự do không biên giới đã chính thức được nhen nhóm.

Những tiến bộ trong việc xây dựng một cộng đồng chung châu Âu làm các dân tộc dần lơi lỏng quyền liên kết lãnh thổ quốc gia với các chương trình kiểu như tự do làm việc trong bất kỳ quốc gia nào của Liên minh châu Âu (EU), trao đổi sinh viên theo chương trình Erasmus, giảm dần và cuối cùng là không còn thủ tục kiểm tra hải quan và thị thực trong khu vực Schengen, quyền bỏ phiếu bầu cử địa phương tại các quốc gia cư trú...
Trên thực tế, đường biên giới hữu hình giữa các quốc gia không hề biến mất, chỉ có việc quản lý biên giới đã thay đổi theo cách thức mới không phải chỉ xác định trên cơ sở dân tộc hay quốc gia mà dựa trên ý tưởng về một cộng đồng các lợi ích kinh tế và các giá trị nhân văn.
Trong quan niệm của thế hệ gần đây nhất thậm chí đã không còn tồn tại các khái niệm về thị thực, đổi tiền hay giấy phép lao động, và đây chính là những người luôn nhiệt thành ủng hộ EU.
Tác động của việc phá vỡ biên giới quốc gia không đâu minh họa tốt hơn trường hợp của Ireland. Năm 2005, tiếp theo các thỏa thuận có tên là “Ngày thứ sáu tốt lành”, hàng rào quân sự đã bắt đầu được dỡ bỏ.
Cuối cùng, các quy định của thị trường duy nhất, bao gồm cả quyền tự do đi lại của các công dân đã chính thức có hiệu lực trên vùng đất này. Hiện nay, có tới 30.000 người lao động qua lại biên giới mỗi ngày, nền kinh tế địa phương tăng trưởng đều đặn và tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh.

Việc nước Anh rời khỏi EU làm trỗi dậy các tranh luận về thống nhất Ireland. Ảnh: Reuters

Thị trường chung châu Âu cũng tạo điều kiện giảm căng thẳng chính trị giữa những người Cộng hòa và phe Liên hiệp thông qua việc thiết lập sự giao tiếp về kinh tế và và tư pháp giữa hai vùng lãnh thổ. Vì vậy, vấn đề thống nhất có vẻ ít gây căng thẳng hơn cả từ phía Belfast và Dublin.
Việc nước Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu đã một lần nữa làm trỗi dậy các tranh luận về thống nhất Ireland. Không ngạc nhiên là sau cuộc trưng cầu dân ý với kết quả đa số cử tri nước Anh đồng ý rời EU diễn ra hồi tháng 6/2016, có đến 56% người Bắc Ireland bỏ phiếu chống lại Brexit.
Thực vậy, việc Vương quốc Anh rời khỏi thị trường chung chắc chắn sẽ dẫn đến việc nối lại việc kiểm soát dòng người và tài sản qua lại biên giới, một hình ảnh gợi nhớ lại những kỷ niệm chia cắt đau đớn.
Ngoài ra, các tình huống bất trắc có thể xảy ra dường như ngày càng trở nên hiện hữu đối với Bắc Ireland, trong khi các bất đồng chính trị giữa các cộng đồng trong tình trạng khoảng trống quyền lực đang xảy ra do chưa thành lập được chính phủ kể từ cuộc bầu cử tháng 3/2017, hai chính đảng lớn nhất là Sinn Fein và đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) đã không đi đến thống nhất được về một chương trình chung.
Một trong những điểm gây tranh cãi là dự thảo luật bảo vệ tiếng Ga-en được ủng hộ bởi đảng Cộng hòa Sinn Fein, tuy nhiên đảng DUP lại lên án đây chỉ là một hình thức mới của "chiến tranh văn hóa".

Hơn nữa, vì vị thế yếu đi sau cuộc bầu cử cơ quan lập pháp tháng Sáu vừa qua, Thủ tướng Theresa May đã đi đến ký kết một thỏa thuận hỗ trợ DUP – điều đương nhiên làm mếch lòng các đảng của cộng đồng Thiên chúa giáo, hiện đang dự định sử dụng các lập luận của châu Âu để mở lại cuộc tranh luận về sự thống nhất cho đất nước Ireland.
Chắc chắn là tất cả các chính đảng tại Ireland đều lưu ý về tính cấp bách của việc phải làm rõ tình hình hiện nay. Từ tháng 8/2016, các lãnh đạo đảng Sinn Fein và DUP đã gửi cho Thủ tướng Vương quốc Anh một bức thư chung nhấn mạnh đến cái giá phải trả khi rời khỏi thị trường chung châu Âu.
Về phần mình bà Theresa May và người đồng cấp CH Ireland, Enda Kenny, đã công bố xác định tránh việc lập lại “đường biên giới cứng”. Về phần mình, các nhà đàm phán châu Âu cũng đã thông báo rằng vấn đề Ireland là một ưu tiên trong các cuộc thương lượng về Brexit.
Trưởng đoàn đàm phán của EU, Michel Barnier, cho rằng “những giải pháp sáng tạo” là rất cần thiết trong vấn đề đường biên giới với nước Anh.

Nhưng cho tới thời điểm này vẫn chưa có một kế hoạch đáng tin cậy nào được đưa ra, do vậy thật khó để hình dung tương lai sẽ ra sao, trừ phi Chính phủ Anh quyết định không rời khỏi thị trường chung và cam kết duy trì tự do đi lại giữa hai phần của đảo Ireland.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục