Brexit gây hại không nhỏ cho kinh tế Đức (Phần I)

16:49' - 24/07/2016
BNEWS Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) là một sự kiện lớn có tác động nhiều mặt tới kinh tế Đức ở cả góc độ vĩ mô cấp quốc gia và vi mô cấp doanh nghiệp và các ngành kinh tế.

No Title

Đức bừng tỉnh khá muộn trước nguy cơ Brexit. Ảnh: politico.eu

Suy giảm thương mại và đầu tư

Ở cấp độ quốc gia, Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Đức, chỉ sau Mỹ, Pháp, Hà Lan và Trung Quốc. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Anh năm 2015 lên đến 90 tỷ euro (đứng thứ 3 sau Mỹ và Pháp), tổng vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Đức tại Đảo quốc này cũng lên tới 110 tỷ euro, chỉ đứng sau Mỹ.

Tại Anh cũng có tới 2.500 doanh nghiệp Đức đang hoạt động với 370.000 nhân viên. Sự gắn kết chặt chẽ này giải thích vì sao doanh nghiệp Đức rất lo ngại việc Anh rời khỏi EU.

Mối lo sợ của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Đức, trong những ngày qua đã ngày càng gia tăng khi đồng bảng Anh liên tục mất giá trên thị trường ngoại hối và xuống những mức thấp kỷ lục.

Sự biến động lớn của đồng bảng Anh có tác động mạnh tới hoạt động xuất nhập khẩu của Đức và dự kiến có thể kéo dài đến hàng năm. Điều đó có nghĩa là lĩnh vực xuất nhập khẩu giữa Đức và Anh sẽ còn bị ảnh hưởng trong thời gian dài sắp tới.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức cuối tháng 6/2016 đã dự báo trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đức sẽ giảm tới 0,5% do hệ quả của Brexit.

Một bất lợi đáng kể khác mà Brexit tạo ra đối với EU nói chung, đối với Đức nói riêng chính là đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Rõ ràng là Brexit đã làm cho đàm phán TTIP trở thành một chủ đề thứ yếu ở EU ở thời điểm này và việc hoàn tất đàm phán TTIP trong thời gian từ 1-2 năm là điều bất khả thi.

Brexit có thể được xem như sự phản đối của người dân Anh đối với tiến trình hội nhập của châu Âu và tiến trình toàn cầu hoá, trong đó có TTIP. Những lực lượng phản đối TTIP ở Đức chắc chắn đang cảm thấy hài lòng bởi EU lúc này đang “đau đầu” với Brexit nên chẳng còn tâm trí gì để tính toán đến đàm phán TTIP.

Áp lực lên chính phủ Đức lại càng lớn hơn bởi Đức, với tư cách cường quốc xuất khẩu, được xem là một trong bên hưởng lợi nhất từ TTIP. Tình thế của chính phủ Đức hiện khá khó khăn khi phải lựa chọn giữa tiếp tục hối thúc TTIP ngay lúc này hay chờ sau khi đàm phán xong về Brexit mới thúc đẩy TTIP, bởi thiếu Anh, EU thiếu hẳn một trụ cột trong đàm phán TTIP với Mỹ.

Doanh nghiệp gặp khó

Ở cấp độ doanh nghiệp, một câu hỏi lớn đặt ra đối với nhiều tập đoàn, công ty lớn của Đức sau Brexit, đó là hoạt động kinh doanh của họ ở Đảo quốc Sương mù sẽ tiếp tục như thế nào?

Siemens sẽ kinh doanh ra sao khi Anh rời khỏi EU. Ảnh: egyptoil-gas.com

Giám đốc điều hành của Siemens Juergen Maier cho rằng, tác động của Brexit không đơn giản là việc Siemens sẽ phải đóng cửa nhà máy nào ở Anh mà quan trọng hơn là toàn bộ hoạt động kinh doanh và các cơ sở của Siemens tại Anh sẽ phải thay đổi thế nào trong dài hạn.

Đối với những tập đoàn như Siemens, Anh có một vị trí hết sức quan trọng trong toàn bộ hệ thống của hãng trên toàn cầu. Siemens đã có lịch sử hoạt động tại Anh tới trên 170 năm với số nhà máy hiện tại là 13, Anh cũng là thị trường tiêu thụ lớn thứ 4 trên thế giới của hãng và có tới 14.000 nhân viên của hãng đang làm việc tại đây.

Một lĩnh vực trụ cột khác của kinh tế Đức cũng chịu thiệt hại nặng khi Anh rời khỏi EU là xuất khẩu xe ôtô. Theo thống kê, cứ trong 2 chiếc xe được cấp phép mới ở Anh trong năm 2015 thì có 1 chiếc là xe Đức. Tầm quan trọng của thị trường Anh có ý nghĩa sống còn đối với những tập đoàn sản xuất xe ôtô lớn của Đức như BMW, Daimler, VW ở thị trường châu Âu.

Giám đốc Hiệp hội Ngoại thương Đức (BGA) Anton Boerner phát biểu, việc nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu là Anh rời khỏi EU thực là một “thảm hoạ" đối với kinh tế Đức.

Giống như Siemens trong ngành sản xuất thiết bị máy móc, BMW hay VW trong ngành xe hơi, hàng loạt hãng lớn của Đức trong nhiều ngành khác như tập đoàn xây dựng Bilfinger, hãng bưu chính Deutsche Post hay tập đoàn năng lượng RWE... đều cảm thấy như đang “ngồi trên đống lửa” trước sự kiện Brexit.

Xem tiếp phần II

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục