Brexit: Nhiều tập đoàn lựa chọn Luxembourg làm điểm đến

08:58' - 08/07/2017
BNEWS Luxembourg đã thành công trong cuộc đua với các trung tâm tài chính lớn của châu Âu nhằm thu hút luồng dịch chuyển của các tập đoàn bảo hiểm lớn có trụ sở tại Anh.
Vấn đề Brexit: Luxembourg được nhiều tập đoàn lựa chọn để dịch chuyển. Ảnh minh họa: TTXVN
Một năm sau cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, Luxembourg đã thành công trong cuộc đua với các trung tâm tài chính lớn của châu Âu nhằm thu hút luồng dịch chuyển của các tập đoàn bảo hiểm lớn có trụ sở tại Anh.

Theo phóng viên TTXVN, ngày 4/7 vừa qua, công ty bảo hiểm Liberty Speciality Market thông báo sẽ chuyển một phần hoạt động của mình sang Luxembourg. Kể từ sau khi cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn rời EU, đây là tập đoàn bảo hiểm thứ 6 đã quyết định chọn Luxembourg để dịch chuyển, sau các tên tuổi lớn khác như AIG, Hiscox, FM Global, RSA và CNA Hardy. Những nhà bảo hiểm quốc tế danh tiếng này đã thông báo việc thiết lập cơ sở của mình ở Luxembourg cho thời kỳ hậu Brexit, song ở thời điểm hiện tại thì họ vẫn chưa thực sự triển khai hoạt động.

Theo Bộ trưởng tài chính Luxembourg Pierre Gramegna, đây không phải một cuộc chạy đua mà là một các tiếp cận khéo léo và mang tính xây dựng của Đại công quốc từ một năm qua nhằm đón sự dịch chuyển của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực tài chính có trụ sở tại Trung tâm tài chính London.

Đến nay đã có tổng cộng 21 doanh nghiệp thông báo dịch chuyển một phần hoạt động của mình sang Luxembourg, đưa nước này lên vị trí dẫn đầu, tiếp theo là Ireland được 14 doanh nghiệp lựa chọn, sau đó là Đức với 8 và Hà Lan là 4 doanh nghiệp.

Ông Charles de Marcilly, thuộc Trung tâm Robert Schuman tại Brussels, đánh giá sự nổi tiếng trên thế giới với tư cách là một trung tâm tài chính của Luxembourg là một lợi thế, ngoài ra còn nhiều yếu tố hấp dẫn khác như vị trí địa lý là trung tâm khu vực Eurozone, trình độ phát triển trong hoạt động quản lý quỹ, tính linh hoạt của nguồn nhân lực và là nơi đóng đô của nhiều thể chế châu Âu.

Ngoài các tập đoàn bảo hiểm, Luxembourg cũng đang có tham vọng được đón tiếp Cơ quan ngân hàng châu Âu (EBA), quyết định cuối cùng về vấn đề này sẽ được đưa ra vào tháng 10 tới.

Lợi thế hơn so với Frankfurt, Paris hay Praha, Luxembourg được thừa nhận trong các Hiệp ước là một trong số các thủ đô của châu Âu, giống như Brussels và Strasbourg. Hơn nữa, thành phố này hiện cũng là nơi đặt trụ sở của Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), Tòa Kiểm toán châu Âu, Quỹ đầu tư châu Âu và Cơ chế bình ổn châu Âu.

Được đánh giá là trung tâm tài chính thứ hai của châu Âu sau London, Luxembourg được xếp hạng tín nhiệm rất cao với tất cả các cơ quan kiểm toán đều được đánh giá điểm AAA, nợ công chỉ ở mức 22,1% GDP và tăng trưởng đạt mức 3,7% năm 2016./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục