BRICS vượt qua khác biệt nhằm đương đầu với thách thức

11:32' - 06/09/2017
BNEWS Tuyên bố chung Hạ Môn được lãnh đạo các nước BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đưa ra sau 3 ngày nhóm họp với chương trình nghị sự dày đặc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) cùng lãnh đạo các nước thành viên BRICS tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 4/9. AFP/ TTXVN
Việc 5 nước thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) nhất trí thúc đẩy hợp tác an ninh, chính trị đồng thời củng cố sự tin cậy chiến lược lẫn nhau tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 9 vừa bế mạc tại thành phố Hạ Môn, Trung Quốc, có thể xem là một kết quả tích cực ngoài kỳ vọng nếu xét tới những khó khăn và rạn nứt mà BRICS đang đối diện cùng những biến động trên trường quốc tế ngay trước thềm cuộc họp.
Tuyên bố chung Hạ Môn được lãnh đạo các nước BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đưa ra sau 3 ngày nhóm họp với chương trình nghị sự dày đặc, cho thấy quyết tâm của các nước trong nỗ lực duy trì vai trò là một trong những đầu tàu kinh tế thế giới, có vị thế ngày càng lớn và sức cạnh tranh cao, thậm chí trở thành “đối trọng” với những thể chế như Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G7) hay Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20). Bản thân việc lần đầu tiên hội nghị diễn ra dưới mô hình mới được gọi là “BRICS+”, với đại diện 5 nước Kenya, Ai Cập, Tajikistan, Mexico và Thái Lan được mời tới dự đối thoại, cũng thể hiện rõ tham vọng của BRICS muốn mở rộng ảnh hưởng và củng cố vị trí “quản trị toàn cầu” của mình trong thế giới đang phát triển.
Chưa thể nói là thành công, nhưng việc tại hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS đạt được nhất trí về những đóng góp hướng đến cải tổ cơ chế quản trị toàn cầu để giải quyết các thách thức về phát triển, đối phó những quan ngại về an ninh mà thế giới đang đối mặt như chống khủng bố hay vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, có thể coi là một kết quả thực chất, nhất là trong bối cảnh sợi dây gắn kết giữa các nước trong nhóm hiện còn khá lỏng lẻo với nhiều tồn tại và khác biệt.
Cùng với những thách thức chung của kinh tế toàn cầu khi xu hướng bảo hộ mậu dịch đang ngày càng lan rộng, ở thời điểm hiện tại, chỉ Trung Quốc và Ấn Độ duy trì được đà tăng trưởng ổn định, trong khi Brazil, Nga và Nam Phi lại đối mặt với nhiều khó khăn nghiêm trọng về cả kinh tế, chính trị và ngoại giao. Những biến động như vậy đang khiến mục tiêu thu hẹp sự chênh lệch về mức độ phát triển giữa các nền kinh tế BRICS trở nên xa vời hơn. Không chỉ có vậy, căng thẳng kéo dài suốt 10 tuần ở khu vực biên giới Ấn-Trung, chỉ mới được tháo ngòi vài ngày trước hội nghị, thực sự là mối đe dọa đối với sự gắn kết của BRICS. Những mâu thuẫn về lợi ích, sự cạnh tranh về địa chính trị đang trở thành những rào cản lớn cho BRICS trong quá trình tăng trưởng và phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà từng có nhiều ý kiến lo ngại về khả năng tan rã của khối sau 16 năm hình thành.
Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện toàn khối, BRICS vẫn là một trong những thể chế có tiềm năng kinh tế to lớn. Sau hơn 10 năm được thành lập, đến nay BRICS đã chiếm 43% dân số toàn cầu và 23% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới trong năm 2016, gần gấp đôi so với năm 2006. Trong một thập kỷ qua, BRICS đại diện cho hơn một nửa mức tăng trưởng của cả thế giới. Việc BRICS thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ dự trữ ngoại tệ với tổng trị giá 200 tỷ USD thực sự là bước tiến trong quá trình khẳng định vị thế của nhóm. Chính vì thế, trong bối cảnh trật tự kinh tế thế giới đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng, BRICS được các nước thành viên kỳ vọng sẽ nổi lên như là một đại diện cho các quốc gia đang phát triển, củng cố hơn nữa hợp tác Nam-Nam. Không những thế, BRICS được xem là “bệ phóng” để mỗi nước thành viên nâng cao vị thế và ảnh hưởng của mình.
Đó cũng là lý do khiến Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 thế giới và là nước chủ tịch luân phiên của BRICS năm 2017, đặt trọng tâm nghị sự mạnh mẽ vào việc thúc đẩy thương mại nội khối với chủ đề “Quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn vì một tương lai tươi sáng hơn”. Gạt bỏ những khác biệt để tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa các nước trong nhóm được xem là yếu tố quan trọng nhằm tăng cường sức mạnh và sự gắn kết của khối, qua đó các nước BRICS sẽ thể hiện được vai trò tích cực cần có trong các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt trong việc giải quyết hiệu quả những thách thức đang đặt ra. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh BRICS được thành lập với mục đích chính là để thể hiện tiếng nói lớn hơn của các nước đang phát triển trên trường quốc tế. Sự đồng thuận trong nhiều vấn đề mà các nhà lãnh đạo BRICS đạt được tại hội nghị, hay không khí thiện chí sau cuộc gặp cấp cao Trung Quốc-Ấn Độ bên lề hội nghị sau những căng thẳng biên giới gần đây, phần nào thể hiện mong muốn của các nước BRICS hướng tới mục tiêu chung này.
Tuy nhiên, đây không hề là mục tiêu dễ dàng đạt được. Các nhà lãnh đạo BRICS cũng thừa nhận việc kim ngạch thương mại nội khối tăng từ 15 tỷ USD năm 2010 lên 31,2 tỷ USD trong năm 2016, hay như trong 197 tỷ USD được các nước BRICS đầu tư trong năm 2016, chỉ 5,7% được thực hiện nội khối, là không tương xứng với tiềm năng. Bản thân nước chủ nhà Trung Quốc cũng có cách tiếp cận thận trọng khi đưa ra mức cam kết tài chính tương đối thấp dành cho BRICS tại hội nghị lần này. Theo đó, Bắc Kinh thông báo chi thêm 500 triệu NDT (khoảng 76 triệu USD) cho kế hoạch hợp tác kinh tế và công nghệ giữa các nước BRICS và khoảng 4 triệu USD cho hoạt động của NDB - ngân hàng phát triển của riêng BRICS. Những con số này là thấp hơn rất nhiều nếu đặt cạnh mức cam kết 124 tỷ USD mà Trung Quốc công bố cho kế hoạch “Vành đai và Con đường” hồi tháng Năm vừa qua.
Trong bối cảnh cơ hội hợp tác nội nhóm BRICS còn chưa được khai phá hết, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy kế hoạch mở rộng BRICS, mà việc đại diện 5 quốc gia được mời tới Hạ Môn lần này là sự khởi đầu cho cách tiếp cận đó. BRICS cũng được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ nhất để củng cố hợp tác Nam-Nam. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, vấn đề đặt ra hiện nay là liệu những nền kinh tế tăng trưởng nhanh hiện tại như Trung Quốc và Ấn Độ, với việc đầu tư mở rộng ra ngoài nước và đặc biệt là sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, có ảnh hưởng đến định hướng thuần túy của hợp tác Nam-Nam hay không. Và bản thân hành động mở rộng đầu tư ra ngoài nước của Bắc Kinh và New Delhi có làm phai nhạt cam kết của BRICS với hợp tác Nam-Nam hay không.
Từng được coi là “điểm sáng” của các nền kinh tế mới nổi trong việc dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu cũng như thay đổi trật tự chính trị và kinh tế thế giới, song BRICS dường như vẫn chưa thể hiện được hiệu quả vai trò nổi bật của mình như kỳ vọng. Trong bối cảnh thế giới liên tục có những biến động phức tạp, đặt ra những thách thức khôn lường và không dễ vượt qua, rõ ràng, để BRICS thực sự “không phải nơi hội họp mà là một nhóm đặc nhiệm để giải quyết vấn đề”, nói một cách khác, để BRICS có thể đóng vai trò "trung tâm" của kinh tế thế giới trong tương lai, chắc chắn không thể chỉ là nỗ lực riêng lẻ của bất kỳ một quốc gia nào. Ít nhất, tại hội nghị thượng đỉnh lần này, các nước BRICS đã tìm ra cách tiếp cận để có thể phối hợp tháo gỡ những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục