Bức tranh tổng thể doanh nghiệp Việt Nam năm 2020

11:26' - 28/04/2020
BNEWS Cần sửa đổi cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo làm trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Họp báo công bố sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2020 và sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN
Đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng kinh tế của cả nước, hiện khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% vào GDP. Để đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý, nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê chủ trì biên soạn và công bố “Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020”. Đó là thông tin được ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Thống kê cho biết tại họp báo công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, ngày 28/4, tại Hà Nội.

Theo số liệu điều tra và cập nhật của Tổng cục Thống kê, cả nước có 610.637 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (tại thời điểm ngày 31/12/2018); trong đó, có 295.731 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 48,4%.

Theo đó, trong tổng số các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh có 269.169 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chiếm 44,1%; có 45.737 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 7,5%. Đặc biệt, trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động, có tới có 295.731 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 48,4%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, khu vực dịch vụ chiếm 68,7% số doanh nghiệp toàn quốc, tăng 7,3% so với cùng thời điểm năm 2017. Khu vực công nghiệp và xây dựng có 184.531 doanh nghiệp, chiếm 30,2%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 6.844 doanh nghiệp, chiếm 1,1%.

Theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp nhà nước có 2.260 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh chiếm 0,4%. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 591.499 doanh nghiệp, chiếm 96,9% số doanh nghiệp cả nước, tăng 9,2%. Khu vực doanh nghiệp FDI có 16.878 doanh nghiệp, chiếm khoảng 2,7% số doanh nghiệp cả nước, tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm 2017.

Theo quy mô doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ có số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất. Tại thời điểm 31/12/2018 có 382.444 doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, chiếm 62,6% số doanh nghiệp cả nước, tăng 7,4% so với cùng thời điểm năm 2017. 

Tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt 23,64 triệu tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2017.

Theo khu vực kinh tế, doanh thu thuần khu vực doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng năm 2018 đạt 11,92 triệu tỷ đồng, chiếm 50,4% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 14,0% so với năm 2017. Khu vực doanh nghiệp dịch vụ đạt 11,58 triệu tỷ đồng, chiếm 49,0%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 134,5 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 0,6%.

Theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước năm 2018 có tổng doanh thu thuần cao nhất với 13,41 triệu tỷ đồng, chiếm 56,7% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 14,3% so với năm 2017. Khu vực doanh nghiệp FDI đạt 6,81 triệu tỷ đồng, chiếm 28,8%, tăng 17,5%; khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 3,41 triệu tỷ đồng, chiếm 14,4%.

Để nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đề xuất hướng tới 4 nhóm chủ thể chính, đó là cơ quan nhà nước; các địa phương; doanh nghiệp và các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp.

Theo đó, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế chính sách cho khu vực doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: hoàn thiện cơ chế chính sách và đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính; nghiêm túc thực hiện công bố công khai, minh bạch, có so sánh trước và sau khi cắt giảm, hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục thực hiện.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho rằng, cần sửa đổi cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo làm trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo.

“Cần triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, trong đó khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên; đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút và ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường.”, ông Thúy cho biết thêm.

Bên cạnh đó, cần có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; đồng thời nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Nghiên cứu cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi; tiếp tục phát triển mạng lưới tri thức cao người Việt đang sống và làm việc ở trong và ngoài nước, tạo thành cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc; tháo gỡ điểm nghẽn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục