Đồng hành cùng doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau dịch

16:35' - 24/04/2020
BNEWS Dịch COVID-19 đã có những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Ngay sau thời gian giãn cách xã hội, chính quyền và doanh nghiệp, người dân quyết tâm vượt qua khó khăn, nỗ lực khôi phục sản xuất phát triển kinh tế trong thời gian tới.

*Nỗ lực duy trì sản xuất

Ông Trần Văn Hùng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, công ty đang hoạt động tại Cụm Công nghiệp Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp với hơn 6.000 lao động làm việc trong 7 nhà máy của 6 công ty thành viên, chủ yếu sản xuất chế biến thủy sản.

Theo ông Hùng, do ảnh hưởng chung, hoạt động xuất khẩu của công ty bị tác động khá lớn. Chỉ trong quý I và 15 ngày đầu của tháng 4/2020, công ty giảm sản lượng nguyên liệu của 4 nhà máy chế biến trên 40%. Sản lượng thành phẩm xuất khẩu đi các thị trường thế giới hàng tháng còn 2.900 tấn, giảm 51,6%, tương đương 3.100 tấn.

Hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng 51%, giá trị kim ngạch doanh thu giảm 21,6%. Tuy nhiên, đơn vị cũng đã cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho người lao động có công ăn việc làm đảm bảo 26 ngày công sản xuất/tháng, với mức lương bình quân 6,5 triệu đồng/tháng.

Không nằm ngoài ảnh hưởng chung, doanh thu của công ty thủy sản Trường Giang tại khu công nghiệp Sa Đéc cũng bị sụt giảm. Phó tổng Giám đốc công ty thủy sản Trường Giang, ông Ong Hàng Văn cho biết, xác định tình hình chung sản xuất năm 2020 sẽ khó khăn cho nên doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý.

Đó là, nếu năm 2019, lợi nhuận công ty đạt từ 20 – 30% thì năm nay chấp nhận lỗ 10% , qua đó sẽ có kế hoạch sản xuất phù hợp tạo tiền đề duy trì và khôi phục sau dịch bệnh.

Ngoài ra, ông Văn cũng cho biết, ngành hàng cá tra gặp khó là do lượng sản phẩm tồn kho quá lớn, trong khi bãi chứa không còn. Trong hoàn cảnh này, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng, giao hàng đúng hạn, sản xuất để giữ chân lao động; sau khi thị trường ổn định, nhu cầu sẽ phục hồi nhanh chóng.

Trăn trở với ngành cá tra, ông Văn cũng cho rằng, trong hoàn cảnh khó chồng khó hiện nay, không phải là doanh nghiệp gặp khó mà chính người nông dân sẽ là thành phần chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Bởi giá cá hiện chỉ còn 18.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 22.000 - 23.000 đồng/kg. Do vậy, bình quân người nuôi sẽ lỗ từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, chưa kể hao hụt.

Theo ông Văn, chính quyền địa phương cần có khuyến cáo người nông dân về việc kỹ thuật nuôi, nhất là khi cá tra vượt tỷ trọng trong điều kiện giá giảm. Đối với người dân cần tránh việc sản xuất ồ ạt khi giá cá tăng trở lại, cần nuôi thưa, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

Tại khu công nghiệp Sa Đéc hiện có 30 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với 43 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư 5.002,6 tỷ đồng; trong đó, có 5 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 50,39 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động.

Qua thống kê sản xuất quý I/2020, doanh thu các doanh nghiệp tại khu công nghiệp đạt 3.109 tỷ đồng giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 41,49 triệu USD giảm 48,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, sản lượng chế biến thủy sản đạt 18.451 tấn giảm 9,6 % so với cùng kỳ năm trước; sản lượng chế biến thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi đạt 181.716 tấn giảm 7,5 % so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Phước Cường, Phó trưởng ban quan lý khu kinh tế Đồng Tháp thông tin, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Sa Đéc chủ yếu thuộc lĩnh vực chế biến thủy sản, sản xuất thức ăn thủy sản, gia súc, gia cầm, thực phẩm.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, sản lượng sản xuất, gia công và xuất, nhập khẩu giảm, đơn hàng giảm, tồn kho tăng, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng sản xuất cầm chừng để giữ chân người lao động.

*Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, địa phương có khoảng 2.476 doanh nghiệp, với hơn 65.504 lao động. Tính đến ngày 14/4/2020, có 59 doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng do tác động của dịch COVID-19. Kéo theo đó là 6.659 lao động bị ảnh hưởng; trong đó, 3.697 lao động bị chấm dứt hợp đồng, 2.802 lao động ngừng việc.

Ông Vương Trí Phong, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp thông tin, tính đến cuối tháng 3/2020, huy động vốn trên địa bàn đạt 47.783 tỷ đồng, giảm 0,16% so với đầu năm.

Để hỗ trợ cho các khách hàng bị thiệt hại do dịch bệnh, các tổ chức tín dụng đa dạng hóa hình thức, biện pháp tiếp cận - nắm bắt nhu cầu vay và cung ứng vốn kịp thời đối với các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi của khách hàng.

Tổng hồ sơ nhận trong tháng 3/2020 là 9.164 hồ sơ, đã thẩm định và giải quyết cho vay 9.084 hồ sơ, chiếm 99,12%. Doanh số cho vay trong tháng 3 là 14.864 tỷ, tăng 3.411 tỷ so với tháng 1/2020.

Tính đến ngày 10/4, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay cho 2 doanh nghiệp với dư nợ khoảng 32,5 tỷ đồng; giảm lãi suất cho vay mới từ 0,1-1,5% cho 42 khách hàng với tổng dư nợ 315 tỷ đồng; thực hiện cơ cấu lại nợ (gia hạn thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ) cho 9 khách hàng với dư nợ đến hạn được cơ cấu lại là 32,67 tỷ đồng, thời gian gia hạn nợ là từ 2-6 tháng.

Trong thời gian tới, các khách hàng bị ảnh hưởng do dịch đủ điều kiện được hưởng các cơ chế, chính sách có thể gửi hồ sơ đến các tổ chức tín dụng để được xem xét, hỗ trợ. Mặt khác, có thể phản ánh trực tiếp về ngân hàng nhà nước qua đường dây nóng 02773 871800 để được giải đáp thông tin và kịp thời xử lý ngay các trường hợp vướng mắc.

Ông Trần Văn Khoa - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho hay, trong quý I/2020, tổng thu ngân sách nhà nước hơn 2.600 tỷ đồng, đạt 30,73% dự toán. Dịch bệnh COVID-19 đã tác động, làm giảm thu ngân sách nhà nước so với kế hoạch là 190 tỷ đồng; trong đó, chủ yếu là thuế bảo vệ môi trường.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, cục thuế tỉnh đã ra văn bản thông tin cho các nhóm đối tượng thụ hưởng.

Trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc kịp thời cho người nộp thuế trong việc miễn giảm, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tổng hợp đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế và nguồn thu ngân sách nhà nước tại địa phương; kịp thời giải quyết gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm thuế cho người nộp thuế thuộc đối tượng theo quy định.

Đồng thời, tiếp tục cải cách hiện đại hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử và hóa đơn điện tử, rút ngắn thời gian giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế…

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, doanh nghiệp có hoạt động mạnh, địa phương mới có nguồn thu. Nhưng thực tế là quý I, có tới 30% doanh nghiệp giảm quy mô; nếu dịch kéo dài đến quý II, 70% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ gặp khó khăn.

Nhưng điều lo lắng, quan tâm nhất của tỉnh là “sức phục hồi ”, “độ gượng dậy”của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh. Vấn đề này rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, nhất là ngành thuế và ngân hàng.

Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực may mặc và chế biến thủy sản là hai đối tượng gặp khó nhất trong dịch bệnh. Ông Nghĩa đề nghị các ngân hàng tiếp tục chủ động triển khai việc giãn, giảm lãi suất hoặc cơ cấu lại nợ theo chủ trương của Chính phủ để đồng hành cùng doanh nghiệp; ngân hàng nhà nước tăng cường việc kiểm tra để chủ trương được triển khai đồng bộ.

Theo ông Nghĩa, với vai trò là động lực cho kinh tế địa phương, các doanh nhân cần tiếp tục đồng lòng cùng chính quyền để vượt qua khó khăn với sự định hướng khôi phục và phát huy tốt hơn trong gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục