Bước chuyển mình lớn trong cung cấp thông tin thống kê

12:06' - 25/10/2017
BNEWS Sau hơn 1 năm triển khai, Luật Thống kê 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015) bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Số liệu thống kê được xây dựng trên cơ sở bằng chứng thực tế.Ảnh: Hoàng Dũng/BNEWS/TTXVN
“Luật Thống kê, công tác thống kê đang có bước chuyển mình lớn nhằm cung cấp thông tin thống kê tốt nhất phục vụ sự quản lý, điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp theo tinh thần: chính sách được xây dựng trên cơ sở bằng chứng thực tế phù hợp với khẩu hiệu của thống kê thế giới “dữ liệu tốt hơn - cuộc sống tốt hơn”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Theo Tổng cục Thống kê, đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, Luật Thống kê 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015) bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Các văn bản pháp quy đã được xây dựng đúng và sớm so với quy định của Luật như: Nghị định số 94/2016-NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê, Nghị định số 95/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê, Nghị định số 97/2016/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.

Hiện ngành thống kê đang phối hợp với các bộ, ngành triển khai xây dựng nghị định về chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để Luật Thống kê đi vào thực tiễn cuộc sống.

Đơn cử như Nghị định số 95/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê, các quy định chi tiết về các hình thức xử phạt rõ ràng, phù hợp với Luật Thống kê 2015.

Theo đó, mức phạt tiền áp dụng cho các hành vi vi phạm từ 300.000 đồng đến 30 triệu đồng. Đối với các hành vi vi phạm quy định trong các hoạt động điều tra thống kê, mức phạt tiền áp dụng từ 300.000 đồng đến 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 7 đến 10 triệu đồng đối với các hành vi không thực hiện hoặc cản trở việc điều tra thống kê, khai man hoặc ép buộc người khác khai man thông tin trong điều tra thống kê…

Đối với hành vi lập báo cáo thống kê không đầy đủ nguồn số liệu trong chế độ báo cáo do cơ quan có thẩm quyền ban hành bị phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng. Khai man số liệu, thỏa thuận hoặc ép buộc người khác khai man số liệu trong báo cáo thống kê bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.

Đặc biệt, phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi phổ biến thông tin thống kê sai sự thật; tiết lộ thông tin thống kê trong phiếu, biểu điều tra thống kê, báo cáo thống kê và dữ liệu hành chính, dữ liệu thống kê gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng cá nhân, tổ chức khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức đó.

Nghị định số 97/2016/NĐ-CP cũng đã quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Theo đó, nội dung chỉ tiêu thống kê có 186 chỉ tiêu thống kê thuộc 20 nhóm gồm: đất đai, dân số; lao động, việc làm và bình đẳng giới; doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; đầu tư và xây dựng; tài khoản quốc gia; tài chính công; tiền tệ và bảo hiểm…

Ông Trần Tuấn Hưng, Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ thống kê – công nghệ thông tin, Tổng cục Thống kê cho biết, bên cạnh việc các văn bản pháp quy đã được xây dựng đúng và sớm so với quy định của Luật thì việc tổ chức quán triệt thực hiện và tuyên truyền, phổ biến Luật Thống kê 2015 đã triển khai rộng rãi tới nhiều đối tượng trong và ngoài ngành thống kê.…

Nhờ vậy, ý thức về tầm quan trọng của thống kê, số liệu thống kê ngày càng được nâng cao; ý thức của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành cung cấp thông tin điều tra thống kê cũng được cải thiện rõ rệt.

Một kết quả quan trọng khác sau hơn 1 năm triển khai Luật Thống kê 2015 đó là, đã có 17 bộ, ngành ký quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin với ngành thống kê, như quy chế giữa Tổng cục Thống kê với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Thuế…

Đặc biệt, việc chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế và sự phối hợp với các cơ quan thuế tại các địa phương đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho ngành thống kê trong triển khai rà soát doanh nghiệp nhằm phục vụ Tổng điều tra Kinh tế năm 2017.

“Nếu công tác quản lý cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành được hoàn thiện và việc chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành và Tổng cục Thống kê được thực hiện đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng thì chắc chắn sẽ bớt được gánh nặng chi phí triển khai các cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê; chất lượng thông tin thống kê cũng sẽ được nâng cao", ông Trần Tuấn Hưng cho biết.

Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực trên, vẫn còn những bất cập, thách thức không hề nhỏ trong thực hiện thống kê; trong đó, bất cập lớn nhất đó là sự quan tâm của một số bộ, ngành, địa phương về thống kê nói chung và Luật Thống kê nói riêng chưa đầy đủ, tương xứng với tinh thần đổi mới của Luật Thống kê.

Đó là, một số bộ, ngành, địa phương còn chưa triển khai tới các cán bộ, công chức trong bộ, ngành, địa phương về Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp đến là tổ chức thống kê một số bộ, ngành còn chưa được thành lập theo tinh thần của Nghị định 85/2017/NĐ-CP ngày 19/7/2017 về Tổ chức thống kê bộ, ngành.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng văn bản pháp quy về thống kê còn chậm trễ, mang tính hình thức trong khi khối lượng công việc lớn, quan trọng, đòi hỏi tiến độ cũng như thống nhất cao về chuyên môn nghiệp vụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục