Chuẩn hoá quy trình biên soạn số liệu thống kê: Khắc phục con số GRDP “ảo”

16:29' - 29/06/2017
BNEWS Một thực trạng hiện nay đang tồn tại trong ngành thống kê đó là sự chênh lệnh GDP của Tổng cục Thống kê tính cho toàn bộ nền kinh tế và số liệu GRDP mà các Cục thống kê tính cho địa phương.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Đề án này được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng chênh lệch số liệu giữa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tổng sản phẩm vùng (GRDP) đã tồn tại trong nhiều năm qua.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã phỏng vấn ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê xoay quanh vấn đề này.

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Tại sao trong thời gian qua lại tồn tại chênh lệch số liệu GRDP và GDP, thưa ông?

Ông Hà Quang Tuyến: Một thực trạng hiện nay đang tồn tại trong ngành thống kê đó là sự chênh lệnh GDP của Tổng cục Thống kê tính cho toàn bộ nền kinh tế và số liệu GRDP mà các Cục thống kê tính cho địa phương. Theo tôi, có ba nguyên nhân dẫn tới tình trạng chênh lệch này.

Nguyên nhân thứ nhất là do trong các năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh và năng động dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp thành lập tại địa phương này, nhưng đồng thời cũng thành lập các Chi nhánh tại địa phương khác. Việc này dẫn đến công tác thu thập thông tin từ các Chi nhánh trực thuộc gặp rất nhiều khó khăn, gây trùng lặp giữa các địa phương với nhau.

Nguyên nhân thứ hai xuất phát từ thành tích của địa phương. Thực tế là khi các tỉnh và thành phố xây dựng kế hoạch tăng trưởng, thường không căn cứ vào năng lực thực tế của địa phương mà thường xây dựng mục tiêu rất cao. Đơn cử trong kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đặt mục tiêu tăng trưởng trên dưới 7%, trong khi đó mục tiêu tăng trưởng của các địa phương cộng dồn vào lên tới 13 - 14%, gấp từ 1,8 - 1,9 lần.

Một nguyên nhân chủ quan khác, theo tôi đó là xuất phát từ nội tại của các cán bộ biên soạn tài khoản quốc gia của các địa phương. Lực lượng này hiện thiếu về số lượng và năng lực cùng còn những hạn chế.

Phóng viên: Việc Tổng cục Thống kê sẽ thay thế các Cục thống kê địa phương thực hiện công tác biên soạn số liệu GRDP sẽ gặp khó khăn gì?

Ông Hà Quang Tuyến: Việc biên soạn và công bố số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2017 cho các địa phương thống nhất sử dụng đã gặp phải không ít khó khăn. Khó khăn thứ nhất, đó là nguồn thông tin đầu vào phân cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trước đây, nếu giao cho các Cục thống kê biên soạn thì những nguồn thông tin sẽ được thu thập trực tiếp từ các sở, ngành, địa phương, nhưng khi Tổng cục Thống kê biên soạn thì việc này phải do các Bộ, ngành cung cấp. Tuy nhiên, trên thực tế việc cung cấp này chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một khó khăn khác là thời gian biên soạn với yêu cầu đặt ra là phải công bố rất sớm. Ví như số liệu của 6 tháng đầu năm thì chúng tôi phải công bố vào 30/5 và cả năm là 30/11, trong khi các hoạt động kinh tế vẫn đang diễn ra, các số liệu thu thập được còn hạn chế nên việc biên soạn chưa đảm bảo chất lượng.

Khó khăn cuối cùng, theo tôi là qua Đ ại hội Đ ảng bộ cấp tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 , chúng ta có thể thấy rằng nhiều địa phương vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tương đối cao so với năng lực của từng địa phương.

Đơn cử trong kỳ kế hoạch 2016 - 2020, cả nước đề ra mục tiêu tăng trưởng là 6,5 - 7%, nhưng tổng hợp từ kế hoạch của các địa phương thì con số này được tính là 8,75%. Mặc dù con số này giảm hơn con số chênh lệnh 13,4 % của giai đoạn trước, nhưng vẫn cao hơn so với kế hoạch mà cả nước đề ra.

Phóng viên: Dự kiến những thay đổi mới trong công tác biên soạn GRDP tác động như thế nào đến các địa phương?

Ông Hà Quang Tuyến: Việc chuẩn hóa quy trình biên soạn số liệu GRDP đã thực hiện được 3 cùng. Đó là cùng phương pháp tính, tiếp đến là cùng nguồn thông tin và cùng một người tính. Theo tôi, công tác này sẽ đảm bảo chất lượng số lieu và không bị tác động về mặt khách quan cũng như chủ quan của bên ngoài.

Nếu số liệu biên soạn của GRDP tốt hơn sẽ phục vụ một cách hiệu quả công tác xây dựng quy hoạch cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới .

Điều này đòi hỏi các địa phương khi xây dựng kế hoạch cần phải căn cứ vào nguồn lực của mình, không nên xây dựng quá cao. Vì rõ ràng, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp dù rất nỗ lực phấn đấu, nhưng quyết toán số liệu của ngành thống kê thường mang tính khách quan. Do đó, nếu chỉ tiêu GRDP đạt thấp sẽ ảnh hưởng tới thành tích của địa phương.

Phóng viên: Tổng cục Thống kê có những kế hoạch nào nhằm đảm bảo công tác và nâng cao hơn nữa chất lượng tính toán chỉ số GDP và GRDP?

Ông Hà Quang Tuyến: Gần đây nhất, ngày 11/5, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 643/QD-TTg phê duyệt đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chất lượng thống kê đến năm 2030 . Đây là cơ sở pháp lý để ngành thống kê nâng cao chất lượng số liệu thống kê của mình.

Nói về chất lượng số liệu thống kê, chúng ta đều biết nó phụ thuộc vào 3 nhóm chủ thể chính tham gia vào các hoạt động. Nhóm chủ thể thứ nhất là các đối tượng cung cấp thông tin thống kê như: doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, yêu cầu các đối tượng này làm sao cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin của ngành thống kê.

Nhóm chủ thể thứ hai là nhóm sản xuất số liệu thống kê chính là Tổng cục Thống kê. Chúng tôi phải nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp để làm sao sản xuất được các thông tin thống kê có chất lượng.

Nhóm cuối cùng là nhóm đối tượng sử dụng thông tin thống kê cũng có sự hiểu biết nhất định về các thông tin thống kê để làm sao trong quá trình sử dung đáp ứng được yêu cầu.

Phóng viên: Xin cám ơn ông./.

>>> Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng 7,76%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục