Bước đột phá để thoát nghèo

09:26' - 18/08/2019
BNEWS Những khoản vay từ ngân hàng chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ nghèo thay đổi cuộc sống.
Ngân hàng chính sách xã hội cho nông dân vay vốn chăn nuôi. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Nhận 50 triệu đồng vốn vay hộ thoát nghèo từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tại phiên giao dịch xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, bà Đinh Thị Tầm không giấu nổi niềm vui.

Cái nghèo từ lâu luẩn quẩn bên gia đình bà Tầm. Cho đến khi được Hội Nông dân và Tổ tiết kiệm và vay vốn xã Gia Lâm hướng dẫn, bà vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội năm 2016, những khó khăn về kinh tế dần được tháo gỡ.

Khởi đầu với 1 con bò và một con lợn nái, bà Tầm cùng gia đình chăm chỉ làm lụng, tích cóp.

Theo năm tháng bò và lợn sinh sôi, gia đình bà Tầm dần có thu nhập và thoát nghèo năm 2018. Dù đã không còn tên trong danh sách hộ nghèo, nhưng câu chuyện nâng cao chất lượng cuộc sống hơn nữa vẫn là mong muốn của gia đình bà Tầm.

Với 50 triệu đồng được vay tiếp, bà Tầm dự định sẽ mua thêm 2 con bò sinh sản với hy vọng nếu thuận lợi, mỗi năm bà sẽ có 4 con bê, bán đi cũng được 50 - 60 triệu đồng. 

Được giải ngân 50 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh Nguyễn Văn Vượng ở thôn 8, xã Gia Lâm cũng không khỏi bùi ngùi nhớ lại những ngày tháng gian khó.

Hai vợ chồng anh, gian nan cày cấy, làm thuê làm mướn cũng không đủ cho 5 miệng ăn. Nghèo khó bủa vây cho đến khi anh được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đầu tư 2 con bò và vài đôi lợn nái.

Gia đình anh đã trả hết vốn ngân hàng thoát nghèo và tích lũy đầu tư xây dựng chuồng nuôi bò quy mô lớn 12 con. Chi tiêu rồi, mỗi năm gia đình anh cũng tích lũy được 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, con lớn của anh Vượng đã tốt nghiệp PTTH, con thứ hai đã học lớp 12 đòi hỏi những nhu cầu lớn hơn.

Vì vậy, với số tiền 50 triệu đồng được vay, anh Vượng mở rộng quy mô đàn bò của gia đình lên gấp đôi.

Ông Phạm Đức Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, Ninh Bình cho biết, Gia Lâm đã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, nhưng câu chuyện phát triển, giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều trăn trở.

Bởi đây là xã miền núi, lại nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ, thường xuyên bị úng lụt nên đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn khi có tới l.840 ha đất song chỉ có 300 ha cấy lúa một vụ, vụ còn lại người dân cũng tận dụng nuôi cá, nhưng phải năm mưa nhiều, thì cá cũng trôi theo mưa lũ.

Phó Chủ tịch UBND xã Gia Lâm cho biết thêm, chuyển đổi cây trồng và hướng đến chăn nuôi là con đường mà những người dân xã lựa chọn để ổn định cuộc sống và nguồn vốn tín dụng chính sách, đặc biệt sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) cùng với sự vào cuộc và đồng lòng của các cấp ủy, chính quyền địa phương đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 10% năm 2015 xuống còn 2,15% cuối năm 2018.

Dòng vốn tín dụng chính sách tại xã Gia Lâm hiện còn dư nợ 19 tỷ đồng; trong đó chủ yếu là cho vay giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ nghèo.

Tín dụng chính sách đã giúp nhiều người dân trong xã hướng tới mô hình phát triển kinh tế hàng hóa bền vững như chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, hoa đào, lúa cá, gà vịt...

Thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 32 triệu đồng/năm thay vì 5 năm trước chỉ hơn 20 triệu đồng.

Nhìn lại 5 năm triển khai Chỉ thị số 40, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, song cấp uỷ, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo, Ngân hàng Chính sách Xã hội luôn đồng hành cùng các tổ chức chính trị - xã hội làm nhiệm vụ uỷ thác thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Ninh Bình đạt 2.324 tỷ đồng, tăng 674 tỷ đồng (+41%) so với trước khi có Chỉ thị số 40; tổng dư nợ đạt hơn 2.318 tỷ đồng.

Để tạo thêm nguồn lực về vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tạo việc làm cho hộ mới thoát nghèo, chống tái nghèo, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 24/10/2016 về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, mỗi năm ngân sách các cấp trích bổ sung cho nguồn vốn vay tín dụng để phục vụ chương trình giảm nghèo.

Cụ thể, cấp tỉnh tối thiểu 5 tỷ đồng/năm, cấp huyện tối thiểu 500 triệu đồng/năm. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tính từ khi có Chỉ thị số 40 đến nay tăng thêm gần 66 tỷ đồng đưa tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách lên hơn 82 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Đề án số 12/ĐA-UBND ngày 20/6/2017 về Xuất khẩu lao động tỉnh Ninh Bình triển khai trong giai đoạn 2018 - 2020 với tổng kinh phí 45 tỷ đồng và Đề án số 29/ĐA-UBND ngày 23/11/2019 về hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong gii đoạn 2019 - 2020 với kinh phí thực hiện là 10 tỷ đồng.

Dòng vốn từ ngân sách địa phương đang tạo ra những bước đột phá mới cho công cuộc thoát nghèo, tạo việc làm phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng cho thấy vẫn còn tình trạng lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền cơ sở có lúc, có nơi chưa sâu sát, chưa quan tâm đúng mức đến quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, nhất là việc quản lý đối với các hộ gia đình còn dư nợ Ngân hàng Chính sách Xã hội nhưng đã chuyển đi khỏi địa phương.

Một số huyện, thành phố chưa ưu tiên cân đối ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Để triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40 sâu rộng hơn nữa, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Hằng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Ngân hàng Chính sách Xã hội; đồng thời ưu tiên dành nhiều hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị các cấp lãnh đạo địa phương thường xuyên chỉ đạo việc củng cố và kiện toàn Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, huyện và nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục