Bước ngoặt định đoạt tương lai ngành công nghiệp ô tô toàn cầu

06:30' - 04/12/2024
BNEWS Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường lớn nhất thế giới về xe điện. Nhưng thị trường Trung Quốc lại do các thương hiệu trong nước thống trị trong khi Mỹ là một thị trường mở.
Theo bài phân tích trên The Straits Times, doanh số bán xe điện đã tăng trở lại trong những tháng gần đây, với doanh số toàn cầu hồi tháng 10/2024 tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Ở nhiều quốc gia, phần lớn sự tăng trưởng đó vẫn được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp của chính phủ. Mỹ là một trong số đó, mặc dù sự hỗ trợ có thể không kéo dài lâu nữa.

Sự thay đổi đột ngột về chính sách trợ cấp của Mỹ có thể sẽ diễn ra vào thời điểm nhu cầu đang chậm lại ở các nền kinh tế phát triển. Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ bãi bỏ khoản tín dụng thuế tiêu dùng 7.500 USD cho việc mua xe điện (EV) như một phần của luật cải cách thuế rộng hơn. Các nhà sản xuất ô tô châu Á và châu Âu lâu nay là những đối tượng hưởng lợi cụ thể từ ưu đãi hấp dẫn này. Họ sẽ là những người sắp phải chịu nhiều tổn thất nhất.

Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường quốc gia lớn nhất thế giới về xe điện. Nhưng thị trường Trung Quốc lại do các thương hiệu trong nước thống trị, chiếm hơn 92%, khiến các nhà sản xuất ô tô toàn cầu không còn nhiều cơ hội thâm nhập. Ngược lại, thị trường Mỹ trị giá 95 tỷ USD là một thị trường mở.

 
Kể từ đầu năm 2023, tín dụng thuế đã trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy doanh số bán xe điện tại Mỹ. Theo hãng kinh doanh xe hàng đầu nước Mỹ Cox Automotive, các ưu đãi này chiếm hơn 12% giá giao dịch trung bình của xe điện, cao hơn đáng kể so với mức trung bình của toàn ngành ô tô. Nhờ đó, thị phần của xe điện tại thị trường Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục, lên tới 9% trong quý gần nhất.

Động thái này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được thông qua vào năm 2022, với tổng mức đầu tư cho tín dụng thuế năng lượng lên tới hơn 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, việc duy trì chính sách ưu đãi này đang đối mặt với một thách thức lớn.

Theo nghiên cứu của các nhà kinh tế Mỹ Hunt Allcott, Reigner Kane, Max Maydanchik, Joseph Shapiro và Felix Tintelnot, nếu không có các khoản tín dụng thuế này thì nhu cầu về xe điện sẽ giảm 27%. Thật vậy, việc chấm dứt trợ cấp xe điện ở Đức, Thụy Điển và New Zealand đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh về doanh số bán hàng. Tháng 8/2022 là thời điểm mà một danh sách dài các xe điện của các nhà sản xuất ô tô châu Á và châu Âu, bao gồm Hyundai, Kia, Toyota, BMW và Volvo, không còn được hưởng tín dụng thuế của Mỹ do những thay đổi về quy định yêu cầu ô tô phải trải qua quá trình lắp ráp cuối cùng tại Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, chính sách này lại tiềm ẩn một lỗ hổng đáng kể. Các hạn chế chỉ áp dụng cho các xe điện được mua trực tiếp, chứ không áp dụng cho các hợp đồng thuê xe. Điều này mở ra một kẽ hở cho các công ty cho thuê xe, đặc biệt là các đơn vị tài chính của các nhà sản xuất ô tô, khi họ vẫn có thể tiếp tục hưởng lợi từ tín dụng thuế 7.500 USD cho những chiếc xe điện nhập khẩu từ châu Á và châu Âu.

Ngay sau khi lệnh loại trừ có hiệu lực vào tháng 8/2022, các hợp đồng thuê mới đối với những chiếc xe điện nhập khẩu đó đã tăng vọt. Theo nghiên cứu của nhóm các nhà kinh tế, thị phần cho thuê của những mẫu xe này đã tăng từ khoảng 10% lên gần 70%, điều này nhấn mạnh rằng nhu cầu phụ thuộc rất nhiều vào việc tiếp tục trợ cấp. Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả của chính sách trong việc thúc đẩy sản xuất xe điện trong nước và giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài.

Không phải tất cả các nhà sản xuất ô tô đều bị ảnh hưởng như nhau. Tesla hiện đã có lãi, giúp hãng có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu. Nhưng đối với các nhà sản xuất châu Á và châu Âu có khởi đầu chậm hơn trong việc sản xuất xe điện, việc cắt giảm trợ cấp ở một thị trường quan trọng có thể gây ra những tác động nghiêm trọng. Theo một cuộc thăm dò của McKinsey, tốc độ tăng trưởng doanh số bán xe điện đã chậm lại ở các nền kinh tế phát triển, với gần 30% chủ sở hữu xe điện trên toàn cầu có khả năng chuyển lại sang xe chạy bằng xăng.

Toyota đang lùi ngày bắt đầu sản xuất xe điện tại Mỹ và Volvo đã từ bỏ mục tiêu chỉ sản xuất xe điện hoàn toàn vào năm 2030. Trong khi đó, doanh số bán xe điện tại Volkswagen, công ty có kế hoạch đóng cửa ít nhất ba nhà máy ở Đức, tiếp tục giảm trong quý gần đây nhất.

Các quỹ của chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng người tiêu dùng hướng đến xe điện. Với nhu cầu từ những người dùng từ sớm đang dần ổn định và người tiêu dùng vẫn còn cảnh giác về một công nghệ tương đối mới và cơ sở hạ tầng sạc không đầy đủ, các nhà sản xuất ô tô hiện phụ thuộc vào trợ cấp nhiều hơn bao giờ hết.

Có thể nói, một sự thay đổi đột ngột sẽ đe dọa toàn bộ quá trình chuyển đổi sang EV của ngành công nghiệp này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục