Bước nhảy vọt của Hàn Quốc trong lĩnh vực không gian

06:00' - 14/01/2024
BNEWS Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới phóng tàu vũ trụ sản xuất trong nội địa nhưng vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước để nước này chinh phục thành công lĩnh vực không gian.

 

Đạo luật đặc biệt về việc thành lập Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KASA) - cơ quan tương đương với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) - đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua trong phiên họp toàn thể ngày 9/1. Dự luật được thông qua 9 tháng sau khi được Chính phủ đệ trình vào tháng 4/2023 và dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực sớm nhất vào khoảng tháng 5/2024.

Bình luận về sự kiện này, báo Joongang Ilbo cho rằng dự án phát triển hàng không vũ trụ là một trong những cam kết tranh cử của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, với tham vọng biến cơ quan này thành một “tháp điều khiển” về phát triển vũ trụ quốc gia.

Theo dự luật vừa được thông qua, KASA sẽ nằm dưới quyền của Bộ trưởng Khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông và chịu sự giám sát của Ủy ban vũ trụ quốc gia trực tiếp dưới quyền Tổng thống. Viện Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI) và Viện Khoa học thiên văn và vũ trụ (KASI) sẽ được biên chế trực thuộc cơ quan mới. Như vậy, Viện Hàng không vũ trụ Hàn Quốc vẫn có thể tiếp tục các dự án nghiên cứu hiện nay, trong khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ sẽ đảm nhận cả nghiệp vụ về nghiên cứu và phát triển, giải tỏa được vấn đề tranh cãi lớn nhất về chức năng nghiên cứu và phát triển.

 

KASA dự kiến sẽ ra mắt tại Sacheon, Nam Kyungsang vào tháng 5/2024 nếu mọi việc suôn sẻ. Theo luật mới, KASA phải trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin, và Ủy ban Vũ trụ Quốc gia thuộc thẩm quyền trực tiếp của Tổng thống để nâng cao đáng kể vị thế của cơ quan. Việc thành lập cơ quan vũ trụ là giấc mơ của giới khoa học và công nghệ cũng như các ngành liên quan sau khi phạm vi "không gian" đã mở rộng sang các lĩnh vực quốc phòng và ngoại giao, không chỉ đơn thuần là mục tiêu thăm dò. Theo đó, một kỷ nguyên không gian mới do các công ty tư nhân như SpaceX dẫn đầu đã chính thức mở ra.

SpaceX hiện vận hành mạng Internet không gian thông qua cụm vệ tinh và khám phá sao Hỏa ngoài Mặt Trăng. Các công ty khởi nghiệp dọn dẹp rác thải không gian và các công ty vũ trụ đang nỗ lực đưa tên lửa không người lái lên Mặt Trăng. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tìm cách khám phá Mặt Trăng sau khi học công nghệ vũ trụ từ Hàn Quốc từ cách đây nhiều thập kỷ. Luxembourg cũng đang dẫn đầu hoạt động khám phá tài nguyên thiên nhiên trong không gian.

Trong khi đó, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới phóng tàu vũ trụ sản xuất trong nội địa nhưng họ vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước. Việc thành lập KASA báo hiệu sự bắt đầu của bước nhảy vọt của Hàn Quốc trong lĩnh vực không gian. Cơ quan vũ trụ mới được thành lập phải giúp công nghệ vũ trụ được chuyển giao suôn sẻ sang lĩnh vực dân sự, bãi bỏ quy định trói buộc đối với lĩnh vực này và tạo ra những mảnh đất màu mỡ cho ngành vũ trụ phát triển theo cấp số nhân trước khi quá muộn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục