Buôn lậu thuốc lá bùng phát tại khu vực phía Nam - Bài 1: Thủ đoạn tinh vi, manh động
Tình hình buôn lậu thuốc lá đang có chiều hướng gia tăng. Phương thức vận chuyển thuốc lá lậu cũng đã thay đổi so với trước. Các đối tượng buôn lậu ngày càng liều lĩnh và sẵn sàng chống đối cơ quan chức năng thi hành công vụ.
Tại khu vực phía Nam, lực lượng chức năng đang đối mặt với nhiều thách thức trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, đặc biệt là vào những tháng cuối năm 2016 là mùa cao điểm buôn lậu thuốc lá đang cận kề.
Sôi động khu vực giáp biên Đánh giá về tình hình buôn lậu tại các địa bàn trọng điểm phía Nam, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sơn, Phó tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, đối với mặt hàng thuốc lá, các vụ buôn lậu bị kiểm tra và phát hiện đều rất lớn; đồng thời để phá những đường dây buôn lậu này đòi hỏi thời gian theo dõi, điều tra rất lâu.Các vụ buôn lậu thuốc lá theo đường biển thường tập trung ở vùng biển Đông Bắc, Tây Nam... vì các khu vực này vừa có biển vừa có đất liền giáp ranh với các nước láng giềng, nên khi bị đánh mạnh trên biển, thì các đối tượng buôn lậu lại di chuyển sâu vào bờ.
Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp, có hơn 50 km đường biên giới với địa hình đồng bằng, sông liền sông, đất liền đất, kênh rạch chằng chịt, đặc biệt là tình hình buôn lậu diễn ra phức tạp hơn khi vào mùa nước nổi do khó xác định đường biên giới.Cũng tại tỉnh này, các khu vực phức tạp nhất là tuyến biên giới dọc theo sông Sở Thượng (dòng sông chung) thuộc khu vực xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự). Do đây là dòng sông chung nên mỗi ngày ước tính có khoảng 20 - 25 thùng, với khoảng 5.000 bao thuốc lá lậu/thùng, cao điểm 40 - 50 thùng được vận chuyển vào biên giới Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp, cho hay, qua kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện khoảng 20 điểm, kho chứa thuốc lá lậu nằm dọc theo tuyến biên giới phía ngoại biên của tỉnh Đồng Tháp. Đặc biệt, có nhiều nhóm đối tượng liều lĩnh, công khai dùng xe gắn máy chở khoảng 700 - 1.200 bao thuốc lá/chuyến với tốc độ cao trên tuyến đường từ thị xã Hồng Ngự về thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Tiền Giang. Tương tự, tại địa bàn các tỉnh Long An, Tây Ninh, các đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu sử dụng các phương thức tinh vi như cất giấu thuốc lá điếu trong ca bin, mui, gầm, bình xăng của xe...Đồng thời, không chỉ mang vác, vận chuyển bằng phương tiện thô sơ mà các đối tượng buôn lậu thuốc lá còn sử dụng cả taxi, xe tải, xe biển xanh hóa giá từ cơ quan Nhà nước để vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới, tuồn sâu vào nội địa.
Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, chủ yếu là cư dân địa phương, cư dân biên giới. Do đối tượng thông thạo địa bàn, tuyến đường, kênh, rạch tiếp giáp Campuchia. Phương thức, thủ đoạn: Thuốc lá điếu chủ yếu tập kết ở phía Campuchia và được chia nhỏ cho vào các bao, túi ny lon, sau đó dùng phương tiện như xe gắn máy, xuồng máy tốc độ cao để vận chuyển lậu hàng hóa qua biên giới, đi sâu vào nội địa tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Trung Bính, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh, địa bàn thành phố tập trung nhiều đầu nậu, đối tượng kinh doanh thuốc lá nhập lậu do nhu cầu tiêu thụ lớn, dẫn đến công tác đấu tranh chống buôn lậu mặt hàng này rất phức tạp.Hiện nay, thuốc lá nhập lậu vào Tp. Hồ Chí Minh chủ yếu từ hướng các tỉnh Long An và Tây Ninh “đổ” về qua các huyện giáp biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng.
Đơn cử, từ biên giới Campuchia, mặt hàng thuốc lá lậu được các đầu nậu, nài xe, nài ghe, xuồng vận chuyển vào Việt Nam, tập kết tại các khu vực giáp ranh như huyện Đức Hòa, Đức Huệ thuộc tỉnh Long An; Trảng Bàng, Bến Cầu, Gò Dầu (Tây Ninh); Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (Tp. Hồ Chí Minh). Từ đây, các đầu nậu buôn lậu thuốc lá phân phối, chia nhỏ để đưa vào các tỉnh, thành phố lớn tiêu thụ. Thiếu tướng Ngô Thái Dũng, Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng, cho rằng, các đầu nậu buôn lậu thuốc lá thường không trực tiếp vận chuyển thuốc lá lậu, mà thuê người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc những đối tượng có tiền án, tiền sự; trong đó, nhiều đối tượng buôn lậu, vận chuyển thuốc lá lậu ngày càng liều lĩnh, công khai, thách thức các nỗ lực chống buôn lậu của lực lượng chức năng. Thất thu ngân sách Trong thị trường nội địa, thuốc lá nhập lậu được các đối tượng bán buôn tại tủ thuốc bán lẻ, cửa hàng tạp hoá, hàng quán vỉa hè... tiêu thụ. Hoạt động phân phối chủ yếu là các đối tượng cất giấu thuốc lá nhập lậu tại địa điểm khác hoặc trong nhà ở, sau đó vận chuyển dần đến điểm kinh doanh với số lượng nhỏ lẻ.Mặt khác, các sản phẩm thuốc lá nhập lậu không in cảnh báo sức khỏe, nơi sản xuất, thời gian sản xuất và nguồn gốc xuất xứ theo quy định pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Khảo sát thực tế tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, một số điểm "nóng" về buôn bán thuốc lá nhập lậu như chợ Học Lạt, chợ Trần Quốc Toản, bến xe Tây Ninh... Đặc biệt, nguồn hàng được tập kết, tàng trữ chủ yếu tại các khu dân cư phức tạp, nhiều tuyến đường ngang ngõ tắt, cất giấu thuốc lá nhập lậu tại địa điểm khác hoặc trong nhà ở, sau đó phân phối đến các điểm bán lẻ với số lượng nhỏ.Các đầu nậu, đối tượng buôn lậu thường thuê người theo dõi những nơi tập kết, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, nhằm chống lại sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng.
Từ thực tế đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá tại 6 địa phương trọng điểm phía Nam (Long An, Tây Ninh, An Giang, Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp) cho thấy, trong các chủng loại thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam, nhãn hiệu Hero và Jet chiếm khoảng 80%.Đây là những nhãn hiệu chủ yếu được sản xuất tại Indonesia , thông qua đường biên giới Lào và Campuchia nhập lậu vào Việt Nam. Cụ thể, hiện nay trên thị trường, thuốc lá nhãn hiệu Hero nhập lậu có mức giá chênh lệch từ 8.000 - 10.000 đồng/bao; Jet 10.000 - 12.000 đồng/bao, Esse 3.500 - 4.000 đồng/bao...
Ông Trần Sơn Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, phân tích, mặc dù nguồn thu cho ngân sách từ việc sản xuất và kinh doanh thuốc lá điếu khá cao, tuy nhiên ngành này luôn đối mặt với thách thức lớn khi thuốc lá điếu nhập lậu ồ ạt, chiếm gần 20 - 25% thị phần.Đặc biệt, trong bối cảnh từ đầu năm 2016, giá bán sản phẩm thuốc lá điếu chính ngạch được điều chỉnh tăng khoảng 4%, tương ứng mức thuế tiêu thụ đặc biệt từ 65 - 70%; tỷ lệ đóng góp Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá từ 1% lên 1,5%, thì tình hình buôn bán, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu ngày càng gia tăng do lợi nhuận cao hơn.
Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thuốc lá điếu nhập lậu vào thị trường Việt Nam với số lượng ngày càng tăng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước, gây thất thu thuế nặng nề cho ngân sách. Trong năm 2012, ngành thuế thất thu thuế khoảng 6.500 tỷ đồng; năm 2013 là 6.700 tỷ đồng; hai năm 2014 và 2015 lên đến 10.000 tỷ đồng... (Còn tiếp) Bài 2: Đánh "đúng" nhưng chưa "trúng"Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Mạnh tay chống buôn lậu thuốc lá
11:04' - 21/10/2016
Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, tích cực chống buôn lậu thuốc lá.
-
Kinh tế & Xã hội
Xử phạt gần 670 triệu đồng đối tượng sử dụng xe cứu thương vận chuyển thuốc lá nhập lậu
13:50' - 20/10/2016
UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền gần 670 triệu đồng đối với ông Trầm Tấn Hoàng Cương, người sử dụng xe cứu thương vận chuyển thuốc lá nhập lậu.
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Cần xác định chống buôn lậu thuốc lá là nhiệm vụ trọng tâm
18:19' - 18/10/2016
Chính quyền các địa phương cần xác định công tác chống buôn lậu thuốc lá là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung đẩy mạnh giải pháp ngăn chặn và kiểm soát hoạt động này hiệu quả hơn.
-
Hàng hoá
Liên tiếp bắt giữ ô tô chở thuốc lá lậu ở Bình Phước
20:00' - 14/10/2016
Trong nửa đầu tháng 10, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước liên tiếp bắt giữ nhiều ô tô chở thuốc lá lậu trên quy mô lớn.
Tin cùng chuyên mục
-
Hàng hoá
Phát hiện 1.560 kg chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc
16:37' - 27/05/2025
Quản lý thị trường Lào Cai vừa phát hiện, thu giữ 1.560 kg chân gà đông lạnh không nhãn mác, không thể hiện xuất xứ, không có số lô sản xuất tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, xã Vạn Hòa, Lào Cai.
-
Hàng hoá
Lào Cai: Triệt phá 2 cơ sở dùng hóa chất độc hại làm giá đỗ
16:28' - 27/05/2025
Ngày 27/5, Công an tỉnh Lào Cai cho biết, đơn vị đã phát hiện, triệt phá 2 cơ sở dùng hóa chất độc hại để sản xuất hàng trăm tấn giá đỗ bán ra thị trường, trên địa bàn thành phố Lào Cai.
-
Hàng hoá
VPI dự báo giá xăng tăng nhẹ trong kỳ điều hành ngày 29/5
15:24' - 27/05/2025
Mô hình của VPI dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này có xu hướng giảm 1,3 - 1,8%, cụ thể dầu diesel có thể giảm 1,8% mức 17.087 đồng/lít, còn dầu hỏa có thể giảm 1,4% về mức 17.068 đồng/lít.
-
Hàng hoá
Kỳ vọng OPEC+ tăng sản lượng gây áp lực lên thị trường dầu
15:18' - 27/05/2025
Giá dầu ít thay đổi trong chiều 27/5, khi kỳ vọng ngày càng tăng rằng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nhà sản xuất lớn (nhóm OPEC+) sẽ quyết định tăng sản lượng tại cuộc họp cuối tuần này.
-
Hàng hoá
Phát hiện lượng lớn tất chân có dấu hiệu giả xuất xứ
14:41' - 27/05/2025
Bất ngờ kiểm tra Công ty sản xuất tất chân, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phát hiện một lượng lớn tất chân có dấu hiệu giả xuất xứ và nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
-
Hàng hoá
Thị trường cao su tiếp tục biến động
09:26' - 27/05/2025
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến tương đối trầm lắng khi thị trường Mỹ và Anh đóng cửa nghỉ lễ. Chốt phiên giao dịch ngày đầu tuần, chỉ số MXV-Index đi ngang quanh mức 2.202 điểm
-
Hàng hoá
Thị trường dầu thế giới ngóng chờ kết quả cuộc họp của OPEC+
07:56' - 27/05/2025
Ngày 26/5, hãng tin Reuters cho hay ba nguồn tin từ OPEC+ đã thông báo về việc thay đổi ngày họp. Cuộc họp này có khả năng sẽ quyết định sản lượng tháng 7/2025 của OPEC.
-
Hàng hoá
Nhật Bản nỗ lực giảm giá gạo
20:04' - 26/05/2025
Ngày 26/5, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã công bố chi tiết kế hoạch về việc bán gạo dự trữ theo hình thức hợp đồng chỉ định.
-
Hàng hoá
Giá dầu tăng nhẹ sau quyết định thuế quan của Tổng thống Mỹ
16:04' - 26/05/2025
Trong phiên chiều 26/5, giá dầu tại thị trường châu Á tăng nhẹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn thời hạn áp thuế 50% lên hàng hóa châu Âu tới ngày 9/7 thay vì từ ngày 1/6 như cảnh báo trước đó.