Business jet – tương lai mới cho hàng không cao cấp Việt Nam

10:10' - 13/04/2022
BNEWS Ra đời gần 60 năm trước, business jet dần trở nên phổ biến ở nhiều nước phát triển và có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc trong những năm gần đây.

Trong khi thị trường business jet (tạm dịch là máy bay thương gia) đang mở ra triển vọng lớn cho ngành hàng không thế giới, thì Việt Nam cũng đã bắt kịp xu thế toàn cầu khi Sun Air chính thức “khởi động” hàng không thương gia tại Việt Nam.

Business jet- xu thế tất yếu của thời đại

Ra đời gần 60 năm trước, business jet dần trở nên phổ biến ở nhiều nước phát triển và có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc trong những năm gần đây.

Theo Expertmarketresearch.com, tính đến năm 2020, ước tính giá trị của ngành hàng không thương gia là 24,74 tỷ đô la Mỹ. Thậm chí, hai năm vừa qua, business jet được xem là nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng của đại dịch, khi ghi nhận một tốc độ phát triển đáng kinh ngạc. 

 

Theo thống kê của stratogets.com năm 2019, toàn thế giới có 25.900 máy bay thương mại đang hoạt động (máy bay chở khách và chở hàng). Trong khi đó, cũng có đến tổng cộng 21.979 business jets hoạt động trên toàn thế giới, tập trung chủ yếu ở Bắc Mỹ (chiếm 71%), theo sau là châu Âu với khoảng 13%.

Châu Á là thị trường đầy tiềm năng khi sở hữu đội bay business jet đứng thứ 3 trên thế giới với 1.570 chiếc. Trong đó, Trung Quốc đứng đầu trong lĩnh vực hàng không thương gia tại châu Á, Ấn Độ giữ vị trí thứ hai và Ả Rập Xê Út đứng thứ ba. Tại Việt Nam, hàng không thương gia vẫn còn là khái niệm hết sức mới mẻ.

Với rất nhiều ưu việt về tính hiệu quả, linh hoạt cũng như khả năng đáp ứng những đòi hỏi khắt khe về các chuyến bay tiện nghi và an toàn của giới doanh nhân, ngành business jet sớm đã trở thành một xu thế tất yếu của thời đại.

Theo Expertmarketresearch.com, thị trường business jet toàn cầu dự kiến sẽ tăng ước tính từ 24,74 tỷ USD vào năm 2020 lên 37,13 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng tới 7%/năm.

Những đặc quyền mang tên “chuyên cơ”

Có nhiều nguyên nhân khiến business jet trở thành xu hướng hot của giới siêu giàu. Đầu tiên, những chuyên cơ sẽ giúp giới doanh nhân tiết kiệm thời gian một cách triệt để.

Lịch trình bay được bố trí linh hoạt theo yêu cầu, đưa đón tại nhiều điểm chờ, thời gian làm thủ tục ở sân bay hay việc hoãn hủy chuyến bay được giảm đi nhiều lần.

Thậm chí, các vị khách có thể thiết kế lịch trình dừng, đỗ tại nhiều điểm trong một hành trình, tùy theo kế hoạch công việc. 

Những chiếc private jet với công nghệ tối tân còn có thể bay tốc độ siêu nhanh. Gulfstream – hãng máy bay mà hàng không Sun Air là đại diện thương hiệu độc quyền tại Việt Nam - từng ghi danh trong lịch sử hàng không với hai huyền thoại G650 và G650ER đạt kỷ lục thế giới với tốc độ bay 1.103km/h.

Theo đó, Gulfstream giúp các tỷ phú tiết kiệm 52 giờ bay mỗi năm so với các loại chuyên cơ thông thường. Thậm chí, các dòng chuyên cơ của Gulfstream còn có khả năng vượt lên trên vùng nhiễu động mà vốn dĩ các dòng máy bay thông thường phải bay xuyên qua.

Dòng chuyên cơ G650ER hay G700 còn được cung cấp khí tươi liên tục trên cabin, và hệ thống ánh sáng mô phỏng dải ánh sáng mặt trời được trang bị để giảm cảm giác mệt mỏi do sự chênh lệch múi giờ ở các vùng bay.

Các trang bị tiện nghi như giường ngủ, phòng tắm, quầy bếp sang trọng, internet trên không hiện đại nhất… của máy bay hạng sang này đảm bảo cho giới thương nhân vừa có những chuyến đi thư thái lại vẫn có thể xử lý công việc việc bất cứ lúc nào.

Việt Nam đã có chỗ đứng trên bản đồ hàng không cao cấp?

Trên thế giới, không phải quốc gia phát triển nào cũng có hàng không thương gia. Tại Việt Nam, địa hạt này cũng còn rất mới mẻ, tuy nhiên tiềm năng của nó khó có thể chối cãi, đặc biệt là khi số người siêu giàu sở hữu từ 30 triệu USD trở lên tại Việt Nam dự báo sẽ tăng khoảng 26% trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, theo Báo cáo Thịnh vượng lần thứ 16 của Knight Frank.

Tức là, chỉ 4 năm nữa, cứ 850 người Việt Nam sẽ có 1 triệu phú USD, và Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan về số người siêu giàu để đứng thứ 3 trong nhóm ASEAN-6. Đây sẽ là mảnh đất màu mỡ cho phân khúc business jet phát triển trong tương lai gần, khi nó đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của giới thượng lưu Việt.

Và chỉ mới đây thôi, Việt Nam đã chính thức bước chân vào lãnh địa hàng không xa xỉ của thế giới khi Sun Group ra mắt hãng hàng không chung phân khúc hạng sang đầu tiên– Sun Air, vào tháng 3/2022.

Đặt kỳ vọng “khiến thế giới thay đổi cách nhìn về Việt Nam”, ngay sau đó, Sun Air đã mở ra một chương mới cho hàng không xa xỉ Việt, khi trở thành đại diện độc quyền tại Việt Nam của Gulfstream - thương hiệu máy bay siêu tốc độ, đột phá về công nghệ và tiện nghi như những “dinh thự bay”.

Theo bà Lê Thúy Thanh Bình – Tổng Giám đốc Sun Air: “Không phải đến bây giờ Sun Group mới nghĩ đến việc xây dựng một thương hiệu hàng không. Thực tế, bằng việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn 6 năm trước, chúng tôi đã đặt nền móng để Sun Air ra đời.

Sân bay quốc tế Vân Đồn- “Sân bay khu vực hàng đầu thế giới” sẽ trở thành bến đỗ lý tưởng cho những chiếc phi cơ Gulfstream đắt đỏ, và sau này là nhiều chuyên cơ, thủy phi cơ sang trọng khác, thành điểm dừng chân trên hành trình đầy cảm hứng cho những khách hàng tinh tế của Hãng hàng không Sun Air”.

Như vậy, một “hệ sinh thái hàng không cao cấp” đã được khai sinh, khi sân bay Vân Đồn được xây dựng với phòng chờ thương gia được vinh danh hàng đầu châu Á (năm 2020). Giờ đây, khi bắt tay với Gulfstream, Sun Air đã chính thức khai mở tại Việt Nam những trải nghiệm hàng không thương gia trọn vẹn, từ bến đỗ, những chiếc máy bay đẳng cấp của Gulfstream và dịch vụ bay thượng hạng.

Và với Sun Air, Việt Nam lần đầu tiên đã có tên trên bản đồ hàng không hạng sang toàn cầu, với những trải nghiệm bay cao cấp đúng nghĩa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục