Các dự án lớn thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp

12:02' - 27/12/2019
BNEWS Điểm nổi bật trong năm qua của ngành công thương là nhiều dự án lớn đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành.

Nhiều dự án lớn đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Sáng 27/12, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và Triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành công thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2019, nhiều dự án lớn của ngành đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành.
 
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 9,1%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra cho toàn ngành từ đầu năm. Con số đạt được tuy thấp hơn mức tăng của năm 2015, 2017, 2018 nhưng cao hơn mức tăng các năm 2012 – 2014 và 2016...
 
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà tăng trưởng (ước tăng 10,5% so với năm 2018), phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
 
Điểm nổi bật trong năm qua của ngành công thương là nhiều dự án lớn đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành.
 
Chẳng hạn như dự án thép Formosa Hà Tĩnh năm 2019 đi vào vận hành hết công suất 2 lò cao với sản lượng dự kiến đạt 6,7 triệu tấn/năm. Nhà máy sản xuất ô tô VinFast đã khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 6 thay vì tháng 9/2019 như kế hoạch. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam đã khởi công các dự án với quy mô lớn từ năm 2017 - 2018 như Thaco Bus, Thaco-Mazda, Hyundai Thành Công đã có sản phẩm trong năm 2019.
 
“Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ và doanh nghiệp trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô đón đầu xu thế hội nhập quốc tế, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế”, Bộ Công Thương đánh giá.
 
Bên cạnh ngành thép và ô tô, trong năm 2019, ngành điện cũng đã hoàn thành và đưa vào phát điện Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Tân 2 với dự kiến mỗi năm sẽ cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia khoảng 68,4 triệu kWh. Qua đó, tăng cường nguồn điện cấp cho phụ tải khu vực và hệ thống, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
 
Đồng thời, ngành điện đã hoàn thành một số công trình quan trọng đảm bảo cấp điện cho miền Nam như: Đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên, thành phố Hà Nội (nhánh rẽ trạm biến áp 220 kV Tây Hà Nội); tập trung thi công đảm bảo tiến độ phát điện của các dự án Nhiệt điện Duyên Hải III mở rộng, Nhiệt điện Vĩnh Tân IV mở rộng; Thủy điện Đa Nhim mở rộng (giai đoạn 2), Thủy điện Thượng Kon Tum...
 
Theo Bộ Công Thương, năm 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá và ổn định; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng trưởng tốt là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu kế hoạch tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
 
Trong năm đã có sự đồng đều hơn trong tăng trưởng sản xuất của các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, đặc biệt tăng cao ở các sản phẩm như sắt thép thô, khí hóa lỏng, xăng dầu, alumin, vải dệt, thức ăn cho thủy sản.... Trong khi đó, nhóm điện thoại di động giảm so với cùng kỳ.
 
Điều này cho thấy, sản xuất của khối doanh nghiệp trong nước đã vươn lên đóng góp tích cực cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Tăng trưởng sản xuất nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu giảm dần sự phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật đạt được, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ một số tồn tại trong sản xuất công nghiệp. Đơn cử như: mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được nhiều mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường.
 
Nhiều doanh nghiệp đầu tư khép kín, chưa phối hợp năng lực sẵn có của các doanh nghiệp khác để tăng nội lực cho ngành và đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn. Điều này một mặt làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất, mặt khác gây lãng phí năng lực chung của toàn ngành, tạo ra những cạnh tranh không đáng có giữa các doanh nghiệp trong ngành.
 
Bộ Công Thương cũng thừa nhận, việc lập và thực hiện quy hoạch điện còn nhiều bất cập. Các số liệu, dữ liệu phục vụ lập quy hoạch chưa hoàn toàn đầy đủ, thiếu đồng bộ dẫn tới quy hoạch chưa sát với tình hình thực tế. Các dự án nguồn điện thực hiện vẫn bị chậm so với quy hoạch ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện.
 
Nhiều công trình điện quan trọng đã được hoàn thành, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2019. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Góp ý tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI) cho rằng, Bộ Công Thương đã làm tốt chức năng cải cách thể chế, chuyển chức năng chủ quan các doanh nghiệp Nhà nước sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Hy vọng thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục có những bước tiến mới trong việc chuyển giao một số dịch vụ công cho khối tư nhân để tận dụng nguồn lực tư nhân.
 
“Ngoài ra, để phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương cần có chiến lược, chính sách công nghiệp định hướng, dẫn dắt để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước phát triển. Chẳng hạn như công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực chưa thành công, các doanh nghiệp FDI vẫn chưa kết nối được với doanh nghiệp trong nước, giá trị gia tăng chưa cao...”, ông Lộc nói. 
 
Cũng theo ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn, tỉnh mong muốn sớm thành lập thêm các khu công nghiệp mới. Bởi hiện nay, các khu công nghiệp của tỉnh đã lấp đầy hơn 80%, nhiều khu công nghiệp đạt trên 100%. Cùng với đó, tỉnh cũng khuyến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành điện sớm hoàn thiện hạ tầng lưới điện, trạm biến áp 110 kV tại địa phương để thúc đẩy phát triển công nghiệp, thu hút các dự án vào đầu tư.
 
Năm 2020, Bộ Công Thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 9 - 10% so với năm 2019. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp và đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu. Để từ đó, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu
 
Cùng với đó, Bộ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.
 
Bộ cũng sẽ chỉ đạo Cục Công nghiệp tập trung rà soát các dự án sản xuất, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng công nghiệp lớn phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo năng lực cho phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.
 
Ngoài ra, Bộ nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ để khắc phục những bất cập về danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, cũng như chính sách riêng biệt cho các ngành có đặc thù riêng. Cùng đó, triển khai thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã phê duyệt trong một số ngành trọng điểm.
 
Đó là, ngành công nghiệp ô tô, điện tử, dệt may và da giày; tập trung vào khâu tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhằm khai thác hiệu quả quá trình hội nhập; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút vốn các nguồn lực phục vụ hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục