Cá hấp phơi khô Gio Linh được thị trường ưa chuộng

16:42' - 17/08/2018
BNEWS Các làng nghề hấp cá phơi khô ở ven biển huyện Gio Linh, Quảng Trị, không những tạo ra sản phẩm nổi tiếng, đặc trưng của địa phương, mà còn giúp tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân.
Nghề hấp cá phơi khô ở Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN

Các làng nghề hấp cá phơi khô ở vùng ven biển của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, không những tạo ra sản phẩm nổi tiếng, đặc trưng của địa phương, mà còn giúp tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân vùng biển.
Ở huyện Gio Linh hiện có 143 cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô. Năm 2018, dự kiến các làng nghề này chế biến đến 17.000 tấn cá biển; trong đó, chủ yếu là cá nục và cá cơm.

Các làng nghề hấp cá phơi khô nổi tiếng nhất các ở thôn Xuân Tiến, Xuân Ngọc, Xuân Lộc, Tân Xuân thuộc xã Gio Việt; các khu phố 1, 2, 3 và 4 thuộc thị trấn Cửa Việt.
Hàng ngày, những chuyến tàu khai thác cá nục, cá cơm cập bến cá Cửa Việt. Những con cá còn tươi rói được ngư dân nhanh tay vận chuyển lên bờ, sơ chế sạch sẽ rồi ướp muối. Sau đó, cá được xếp lên các vỉ lưới rồi đưa vào lò hấp.

Những vỉ cá hấp xong được đưa ngay ra ngoài trời phơi cho khô. Khi cá trên vỉ lưới khô, người dân nơi đây lại kiểm tra, phân loại từng con cá, trước khi xuất bán sản phẩm. Tất cả công đoạn hấp cá phơi khô đều được người dân địa phương làm thủ công.
Do đó, sản phẩm cá hấp phơi khô ở Gio Linh nổi tiếng thơm, thịt cá dai ngọt nên được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Theo kinh nghiệm của những hộ làm nghề này, bình quân 3 – 3,5 kg cá tươi sau khi hấp và phơi khô, sẽ thu được 1 kg cá khô sản phẩm. Hiện nay, giá cá cơm khô bán được khoảng 110.000 đồng/kg, cá nục khô 60.000 – 70.000 đồng/kg tùy loại.
Các làng nghề hấp cá phơi khô ở Gio Linh còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá hấp phơi khô rất tốt; trong đó, chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Để nghề này phát triển bền vững, địa phương đã quy hoạch mặt bằng khoảng 2 ha để xây dựng cụm công nghiệp, nhằm giúp các hộ làm nghề hấp cá phơi khô đến sản xuất tập trung. Sau đó, địa phương sẽ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của nghề này…/.
Xem thêm:

>>Mùa nước nổi ở làng nghề đan lưới – lú Thơm Rơm

>>Phát triển thương hiệu đặc sản của Cà Mau

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục