Phát triển thương hiệu đặc sản của Cà Mau

09:56' - 14/03/2017
BNEWS Ngoài việc bán cá tươi, người dân vùng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) còn phát triển nghề làm cá khô. Khô cá bổi và khô cá lóc đã trở thành thương hiệu đặc sản của Cà Mau trên thị trường cả nước.

Sản lượng cá đồng ở tỉnh Cà Mau ước đạt từ 20.000- 25.000 tấn/năm, trong đó bao gồm cá lóc, cá trê, cá rô, cá bổi… Bên cạnh bán cá tươi, người dân vùng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) còn phát triển nghề làm cá khô.

Ông Nguyễn Văn Lách, ở xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) cho biết: Gia đình tôi có 5 lao động chính. Do không có việc, các thành viên phải đi làm thuê ở tỉnh khác nhưng kinh tế gia đình không được cải thiện nhiều. Sau đó, tôi quyết định trở về quê hương làm nghề sản xuất cá khô. Hiện, nghề sản xuất cá khô của gia đình tôi cho thu nhập 50 triệu đồng/năm.

Theo ông Trần Văn Mạo, xã Khánh Bình Đông (huyện Trần Văn Thời), cá khô là thức ăn được ưa thích đối với người dân Nam bộ. Ngoài làm cá khô bổi, hiện gia đình ông làm thêm khô cá lóc, cá sặc. Thời gian tới, ông dự định mở rộng cơ sở sản xuất cá khô, tiến tới hình thành tổ hợp tác sản xuất cá khô cung cấp cho người tiêu dùng, đồng thời tạo việc làm cho lao động địa phương.

Nghề làm cá khô là nghề truyền thống của người dân vùng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), tập trung chủ yếu ở các huyện nước ngọt như Thới Bình, Trần Văn Thời và U Minh. Đây là nghề khá đơn giản nhưng cho lợi nhuận cao. Làm cá khô đồng được làm quanh năm nhưng cao điểm là trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng kéo dài cho tới hết mùa khô, vì đây là mua thu hoạch cá đồng nên nguyên liệu rẻ, sản phẩm làm ra bán được giá hơn các thời điểm khác. Theo một số đại lý chuyên bán cá khô trong tỉnh, sản lượng cá khô đạt khoảng 4-5 tấn/năm.

Kỹ sư Cao Minh Hùng, chuyên ngành thủy sản cho biết, sản xuất cá khô đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trên địa bàn. Ước tính, trừ chi phí nguyên liệu, một kg cá khô thu lãi từ 80.000 - 100.000 đồng. Bên cạnh đó, phát triển nghề sản xuất cá khô rất phù hợp với chủ trương bảo tồn và phát triển cá đồng của chính quyền địa phương giai đoạn 2015 - 2020. Nhờ phát triển nghề này, hiện nay trên 700 lao động địa phương có việc làm ổn định.

Nghề làm cá khô đồng ở vùng U Minh Hạ tuy tự phát, quy mô nhỏ nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trên địa bàn. Thiết nghĩ, nếu được quan tâm tổ chức thành làng nghề, tổ hợp tác… đây sẽ là một trong những nghề góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục