Cà Mau tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

20:12' - 03/06/2022
BNEWS Trong 5 tháng đầu năm 2022, nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội ở Cà Mau có bước tăng trưởng khả quan, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư công.

Để tháo gỡ vấn đề này, ngày 3/6, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức phiên họp kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022.

 

Theo UBND tỉnh Cà Mau đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, 5 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận các hoạt động kinh tế - xã hội từng bước ổn định, tạo đà, giúp địa phương đạt mức tăng trưởng khá cao.

Trong đó, có nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội tăng trưởng cao so cùng kỳ, như: Tổng sản lượng thủy sản tăng 1,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 7%; kim ngạch xuất khẩu tăng 73,9%; Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 51% với số vốn đăng ký tăng khoảng 6,3 lần; giải quyết việc làm tăng 7,2%...

Tuy có bước phục hồi và phát triển nhưng một số chỉ tiêu vẫn còn ở mức thấp; trong đó có chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2022, Cà Mau được phân bổ và giao chỉ tiêu giải ngân hơn 3.500 tỷ đồng vốn đầu tư công (cả vốn năm 2021 chuyển sang) nhưng đến nay, địa phương chỉ giải ngân được hơn 1.200 tỷ đồng, bằng 34% kế hoạch giải ngân vốn.

Trong đó có 5 trong tổng số 25 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao, như: Sở Giáo dục và Đào tạo (99,9%), Đài Phát thanh - Truyền hình (80,9%), UBND huyện Đầm Dơi (55,9%), UBND huyện Ngọc Hiển (53,3%) và UBND huyện Cái Nước (50%).

Tuy vậy, vẫn còn 20/25 chủ đầu tư giải ngân dưới 50%; trong đó, 13/25 chủ đầu tư giải ngân thấp hơn mức trung bình của tỉnh, đặc biệt có 3 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân là 0%.

Tại hội nghị, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá, so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh dù đã tăng gần gấp đôi nhưng vẫn chưa cao và chưa đạt mục tiêu đề ra.

Hội nghị đã tập trung phân tích, tìm nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân ở Cà Mau chưa như kỳ vọng. Trong đó, có việc một số chủ đầu tư tập trung giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài đến hết 31/1/2022 nên tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 chưa cao.

Bên cạnh đó, hiện một số nguồn vốn chiếm tỷ trọng lớn trong Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của tỉnh được bố trí chủ yếu cho các dự án, công trình khởi công mới (vốn trong nước từ ngân sách Trung ương (chiếm 94,1%); vốn xổ số kiến thiết (chiếm 77,1%...) nên các tháng đầu năm phải tập trung thực hiện hồ sơ, thủ tục đầu tư theo quy định, như: trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phát hành hồ sơ mời thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu; ký kết hợp đồng….

Do vậy, đến khoảng quý II/2022 các công trình mới khởi công và phát sinh khối lượng để giải ngân.

Một nguyên nhân khác là tình trạng giá vật liệu, xăng dầu tăng cao và nguồn cung khan hiếm đã ảnh hưởng đến tiến độ các hợp đồng nhỏ (dưới 20 tỷ đồng) theo hình thức hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định không được điều chỉnh giá.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đề nghị các chủ đầu tư cần tập trung, quyết liệt thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý các đơn vị liên quan cần chủ động có kế hoạch và giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công các công trình, dự án; thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu theo quy định…/.

>>Kiểm soát dòng tiền và ưu tiên phục hồi ngành, lĩnh vực mũi nhọn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục