Cà Mau: Xử lý vụ khiếu nại liên quan đến đất rừng ở Lâm ngư trường Sông Trẹm

08:35' - 10/08/2017
BNEWS Việc các hộ dân ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) yêu cầu trả lại phần diện tích đất lâm nghiệp đã thu hồi là không có sơ sở để xem xét, giải quyết.

Gần đây, 130 hộ dân ở ấp 19, 20, 21 thuộc xã Khánh Thuận, huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) đã nhiều lần kéo đến cơ quan chức năng khiếu nại để đòi lại hơn 529,86 ha đất được nhận khoán bị Lâm ngư trường Sông Trẹm (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ) thu hồi năm 1996.

Vụ việc bắt đầu từ năm 1993, khi Lâm ngư trường Sông Trẹm lập hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp cho các hộ dân trồng và bảo vệ rừng theo tuyến bờ bao từ kênh 14 đến kênh 25 thuộc Tiểu khu 001, 004 và 007 với diện tích giao khoán bình quân 10 ha/hộ (100m ngang, 1.000m dọc) nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng theo Quyết định 64/QĐ-UB ngày 28/3/1991 của UBND tỉnh Minh Hải về việc ban hành quy định chính sách, biện pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên đất đai - rừng và mặt nước.

Tổng diện tích đất lâm nghiệp thực hiện giao khoán cho 130 hộ dân là 1.103,86 ha, thời hạn giao khoán đất từ năm 1993 đến năm 2013. Về quyền lợi, người dân nhận khoán được hưởng 30%, Lâm ngư trường Sông Trẹm hưởng 70%.

Trong quá trình quản lý, các hộ dân ấp 19, 20, 21 thuộc xã Khánh Thuận (huyện U Minh) không đủ sức bảo vệ và phát triển rừng, thậm chí còn để xảy ra cháy rừng…

Do đó, năm 1996, Lâm ngư trường Sông Trẹm thu hồi lại 500m chiều dọc (tương đương 50% diện tích đất giao khoán) phần hậu đất lâm nghiệp của 130 hộ dân đang thực hiện hợp đồng giao khoán.

Tuy nhiên, việc thu hồi đất của Lâm ngư trường Sông Trẹm không có chủ trương, không có phương án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, không bồi hoàn cho người dân và không thỏa thuận với người dân để lập lại hợp đồng mới; thời điểm đó, các hộ dân cũng mặc nhiên chấp nhận.

Đến năm 2012, các hộ dân ấp 19, 20, 21 thuộc xã Khánh Thuận làm đơn tố cáo Lâm ngư trường Sông Trẹm cắt phần hậu đất lâm nghiệp của các hộ dân thuộc diện nhận khoán, từ 1.000 m xuống còn 500 m để phân chia cho một số cán bộ và tổ chức; đồng thời yêu cầu trả lại hiện trạng giao khoán ban đầu cho các hộ dân hoặc cho người dân thuê, hợp tác đầu tư một số tổ chức, cá nhân khác.

Trước sự việc trên, UBND tỉnh Cà Mau đã khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc 130 hộ dân ấp 19, 20, 21 thuộc xã Khánh Thuận tố cáo cán bộ Lâm ngư trường Sông Trẹm thu hồi đất nhận khoán lâm nghiệp. Qua đó, làm cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm vụ việc theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.

Sau nhiều lần tổ chức các cuộc họp xử lý những vấn đề liên quan đến thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng tại Lâm ngư trường Sông Trẹm cũng như giải quyết nội dung khiếu nại của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký Báo cáo số 149/BC-UBND ngày 5/8/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương chính thức báo cáo kết quả chỉ đạo, giải quyết vụ việc trên.

Theo Báo cáo số 149/BC-UBND, nội dung Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau như sau:

''Việc các hộ dân yêu cầu trả lại phần diện tích đất lâm nghiệp đã thu hồi là không có sơ sở để xem xét, giải quyết.

Qua đó, chỉ đạo Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ tiến hành thu hồi lại diện tích đã giao khoán trước đây không trực tiếp sản xuất, các hộ nhận liên doanh liên kết đã hết hợp đồng.

Trên cơ sở quỹ đất của đơn vị, Công ty kết hợp với chính quyền địa phương xem xét lại từng trường hợp cụ thể, tiếp tục giao đất cho các hộ dân thực sự có nhu cầu và thực hiện trồng rừng tốt; không xem xét lại những trường hợp chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng.

Khi thực hiện phải lập phương án giao khoán đất lâm nghiệp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; lập phương đền bù, bồi hoàn thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất lâm nghiệp giao khoán đã thu hồi''.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết: Quan điểm của tỉnh là giải quyết vụ việc trên tinh thần ''hợp tình, hợp lý'', đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tốt quyền lợi cho các hộ dân bị thu hồi đất lâm nghiệp nhận khoán.

Do vậy, các hộ dân cần đồng tình và ủng hộ chủ trương đúng đắn của tỉnh bởi đây là phần đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý nên việc người dân đòi lại đất là không đúng. Nếu người dân thực hiện các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh chủ trương bồi hoàn cho người dân theo tỷ lệ người dân hưởng 80%, Nhà nước hưởng 20%. Đây là cách tính có lợi nhất cho các hộ dân và số tiền người dân được hưởng cao hơn rất nhiều so với tiền công chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng theo hợp đồng giao khoán đất trước đây (theo tỷ lệ Nhà nước hưởng 70%, người dân hưởng 30%)

Giá trị bồi hoàn được tính từ lợi nhuận bình quân thực nhận của hộ dân trên 1 ha đất giao khoán, sau đó chia cho một chu kỳ bảo vệ và khai thác rừng là 8 năm, rồi lấy kết quả kết trên nhân với 3 năm chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng.

Từ kết quả khảo sát, tỉnh Cà Mau đã xây dựng phương án bồi hoàn dựa vào khối lượng đào đắp của các hộ dân đã thống nhất ký tên trong biên bản với khối lượng 92.272,90 m3, tổng giá trị đào đắp khuôn hộ là gần 2,5 tỷ đồng; kinh phí bồi hoàn thành quả lao động trong 3 năm là hơn 4,1 tỷ đồng bao gồm công chăm sóc, bảo vệ rừng, chi phí xử lý thực bì và đào kênh.

Số tiền trên được tính toán bồi hoàn cho 130 hộ dân nhận khoán đất lâm nghiệp; trong đó có 61 hộ gốc được nhận khoán đất lâm nghiệp, 16 hộ dân được thừa kế từ năm 1993 các thành viên trong gia đình canh tác đến nay, 40 hộ gốc đã chuyển nhượng đất nhận khoán lâm nghiệp kể từ năm 1996 đến nay, 13 hộ gốc chuyển nhượng nhưng thất lạc hồ sơ nên cơ quan chức năng xác định dựa vào nguồn tài liệu danh sách giao khoán đất lâm nghiệp của Lâm ngư trường Sông Trẹm trước đây.

Tính từ thời điểm Lâm ngư trường thu hồi đất đến nay, đã có 53 trong số 130 hộ dân đã chuyển nhượng thành quả lao động cho người khác nhưng vẫn tham gia yêu cầu khiếu nại giống như các hộ gốc.

Đầu tháng 8/2017, cơ quan chức năng tỉnh đã họp dân ấp 19, 20, 21 để triển khai phương án bồi hoàn. Qua công tác kiểm tra, xác minh của cơ quan chức năng tỉnh, Lâm ngư trường Sông Trẹm điều chỉnh quy mô giao khoán và thu hồi lại phần hậu đất 500 m của 130 hộ dân đang nhận khoán đất lâm nghiệp nhưng không có phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều đáng nói, sau khi thực hiện thu hồi đất của người dân, Ban Giám đốc Lâm ngư trường Sông Trẹm tiếp tục sử dụng phần đất mới thu hồi để hợp đồng giao khoán và liên doanh liên kết với diện tích là 379,86 ha.

Tuy đây là đất lâm nghiệp do Lâm ngư trường Sông Trẹm được Nhà nước giao quản lý, có thẩm quyền giao khoán và thu hồi đất nhưng không thực hiện thanh lý hợp đồng, không bồi hoàn công đào đắp và chi phí bảo vệ rừng là có sai sót về mặt trình tự, thủ tục.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo xử lý đối với những cán bộ, đảng viên và một số cán bộ liên quan có khuyết điểm trong việc cắt đất hợp đồng giao khoán đối với người dân, gây nên vụ việc khiếu kiện phức tạp ở Cà Mau./.

>>> Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục