Cà phê Arabica trên đất đỏ Sơn La

06:30' - 04/12/2017
BNEWS Sơn La là tỉnh trồng cà phê Arabica lớn thứ hai của Việt Nam. Cây cà phê “Sơn La” có nguồn gốc từ năm 1945, khi một người dân địa phương xin về trồng tại vườn nhà.
Sơn La là tỉnh trồng cà phê Arabica lớn thứ hai của Việt Nam. Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh - TTXVN

* Cây trồng chủ lực

Sơn La là tỉnh trồng cà phê Arabica lớn thứ hai của Việt Nam. Cây cà phê “Sơn La” có nguồn gốc từ năm 1945, khi một người dân địa phương xin về trồng tại vườn nhà (sự kiện này đã được ghi chép lại tại cuốn sách “Sơn La với cà phê”). Trải qua hơn 70 năm hình thành, phát triển đến nay cà phê Sơn La trở thành một đặc sản của Sơn La và từng bước khẳng định vị trí vững chắc trên thị trường.

Cà phê Sơn La được sản xuất từ giống cà phê Arabica có chất lượng tốt, được trồng tập trung tại Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La. Đến nay, diện tích cà phê toàn tỉnh đạt trên 12.000 ha, sản lượng cà phê nhân năm 2016 đạt trên 10.000 tấn.

Sản phẩm cà phê Sơn La bao gồm cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột. Cà phê nhân có dáng hạt dài, kích thước hạt lớn hơn 4,75mm, hàm lượng cafein từ 0,8% đến 1,28%, hàm lượng protein thô từ 10,5% đến 15%, hàm lượng đường từ 6,8% đến 9,2%; Cà phê hạt rang và cà phê bột màu nâu, thơm tự nhiên. Hàm lượng cafein của cà phê hạt rang và cà phê bột từ 1,0% đến 1,6%, hàm lượng protein thô từ 11,6% đến 13,2%, hàm lượng chất tan trong nước từ 29% đến 36%. Nước cà phê “Sơn La” có màu nâu cánh gián, trong và có vị chua thanh, đắng nhẹ, hậu vị lâu. Vị ngọt và hương trái cây cũng tạo nên đặc trưng của cà phê “Sơn La” được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Sản phẩm cà phê Sơn La hiện đã có tiếng trên thị trường được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)...

Sở dĩ, cà phê “Sơn La” có được đặc thù và danh tiếng như vậy một phần là nhờ địa hình, đất đai, khí hậu của khu vực địa lý thích hợp với giống cà phê Arabica. Cùng với đó, kinh nghiệm được tích lũy lâu đời của những người dân địa phương từ khâu chọn giống, chọn đất trồng đến quá trình chăm sóc, thu hoạch cũng làm tăng chất lượng của cà phê “Sơn La”. Về chế biến, tất cả cà phê ở Sơn La được chế biến bằng phương pháp chế biến ướt giúp đảm bảo phẩm chất nội tại của hạt cà phê, cho ra sản phẩm cà phê nhân có màu sắc và chất lượng đồng nhất nên cà phê luôn có chất lượng tốt và giá trị thương mại cao. Ngoài ra, người dân còn chủ động đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm cà phê “Sơn La” phát triển một cách bền vững và ngày càng được nhiều người biết đến.

Đến nay, cây cà phê dần khẳng định vị trí là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh; đồng thời, tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Sơn La.

Ngày 28-9-2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 3262/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00058 cho sản phẩm cà phê Sơn La. Ngày 10-10-2017, Hội cà phê tỉnh Sơn La cũng đã được thành lập. Đây là những sự kiện có ý nghĩa, góp phần quan trọng trong việc quản lý, phát triển thương hiệu “Cà phê Sơn La”, tạo điều kiện để cà phê Sơn La vươn ra thị trường các nước trong khu vực và thế giới.

* Phát triển cà phê theo hướng bền vững

Tận dụng lợi thế về địa hình và khí hậu, những năm qua, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương trong vùng quy hoạch trồng cà phê xây dựng hệ thống sản xuất, cung ứng giống tại chỗ, khuyến khích thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển cà phê; đồng thời, cùng với chính sách của Trung ương, tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, phát triển cà phê theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, việc sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: canh tác cà phê còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp gây khó khăn trong việc áp dụng các quy trình kỹ thuật, xây dựng địa bàn sản xuất tập trung mang tính bền vững; mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng và thương mại còn nhiều hạn chế; chưa hình thành được mối liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu; hoạt động thu mua, sơ chế sản phẩm chủ yếu còn nhỏ lẻ, việc phơi sấy còn thủ công, lạc hậu. Đặc biệt, chưa có nhà máy chế biến các sản phẩm từ cà phê có quy mô lớn, thân thiện với môi trường, việc tiêu thụ sản phẩm thiếu tính bền vững và phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu xuất hạt thô, tỷ lệ tiêu thụ tại địa phương và trong nước không đáng kể.

Theo quy hoạch, phấn đấu đến năm 2020, diện tích cà phê của tỉnh đạt khoảng 15.000 ha, sản lượng từ 20.000-25.000 tấn cà phê nhân.

Nhằm từng bước khắc phục những bất cập và bảo đảm về chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, tỉnh Sơn La đang tập trung thực hiện các giải pháp phát triển cà phê theo hướng bền vững. Theo đó, cơ cấu lại tổ chức sản xuất, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thành lập các hợp tác xã trồng, chăm sóc cà phê, làm đại diện của các hộ nông dân ký hợp đồng thu mua sản phẩm với các doanh nghiệp; xây dựng các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết giúp nhau sản xuất.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tập huấn khuyến nông và các dịch vụ tư vấn, nâng cao trình độ canh tác. Đồng thời, có chính sách thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến cà phê, gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trên cơ sở hai bên cùng có lợi thông qua việc chia sẻ bình đẳng lợi nhuận trong quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu; khuyến khích nông dân thực hiện các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động chế biến cà phê và các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất cà phê…

* Vài nét về cà phê Arabica

Cà phê Arabica (còn gọi là cà phê chè) có nguồn gốc từ vùng cao nguyên nhiệt đới Ethiopia. Brazil và Colombia là hai nước xuất khẩu chính loại cà phê này.

Trong các loại cà phê, Arabica là loại có giá trị kinh tế nhất. Trên thị trường cà phê Arabica được đánh giá cao hơn cà phê robusta vì có hương thơm nhẹ nhàng, vị chua thanh và chứa ít hàm lượng cafein.

Cây cà phê Arabica thường được trồng ở độ cao từ 1.000-1.600m. Cây có tán lớn, màu xanh đậm, là hình oval. Hạt Arabica hơi dài, to hơn hạt Robusta.

Ở Việt Nam cà phê Arabica được trồng ở Đà Lạt, Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Nghệ An, mỗi vùng lại tạo ra hương vị cà phê riêng.

Đà Lạt được đánh giá là “thiên đường” cà phê Arabica nhờ những “chỉ số vàng”: độ cao 1.500m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ cực đại trong năm không quá 33 độ, nhiệt độ cực tiểu 5 độ. Cà phê Arabica được trồng ở Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng… được đánh giá là có giá trị cao nhất Việt Nam.

Ở phía Bắc, khí hậu lạnh cùng lượng mưa lớn, mùa khô không rõ rệt là những lợi thế giúp cho cà phê Arabica sinh trưởng và phát triển. Cà phê Arabica được trồng ở Sơn La, Điện Biên được khách hàng đánh giá cao nhờ thổ nhưỡng tương tự vùng Sao Paulo của Brazil. Đặc biệt, cà phê Chiềng Ban, Sinh Ban (Sơn La), tuy không được trồng ở đất đỏ bazan và không nằm ở độ cao lý tưởng như các tỉnh Tây Nguyên, song Sơn La có những loại đất trong nhóm đất đỏ vàng thích hợp với cây cà phê, như Fk, Fv, Fs… ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục