“Vựa” cà phê Mường Ảng đạt năng suất ước đạt gần 20 tạ/ha

15:12' - 26/10/2017
BNEWS Hoạt động thu hái và sơ chế cà phê ở “vựa” cà phê có diện tích lớn nhất tỉnh Điện Biên đã “chuyển động” gần một tháng nay.
Cây cà phê tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên), niên vụ cà phê năm nay, cho năng suất ước tính đạt gần 20 tạ/ha; sản lượng cà phê trấu ước đạt 6.000 tấn, tăng so với năm 2016 khoảng 3.000 tấn, giá biến động từ 5.000 đồng đến 9.000 đồng/quả tươi.

Hoạt động thu hái và sơ chế cà phê ở “vựa” cà phê có diện tích lớn nhất tỉnh Điện Biên đã “chuyển động” gần một tháng nay.

Cây cà phê hiện diện trên địa bàn này từ năm 1995 và dần được thay thế bằng giống cây cà phê chè Catimor. Năm 2007 diện tích cà phê toàn huyện Mường Ảng có gần 350ha, từ năm 2008 diện tích cây cà phê trên toàn huyện tăng nhanh, hàng năm trồng mới đạt từ 250 đến 500ha.

Đến tháng 8/2017 toàn huyện Mường Ảng có hơn 3.270 ha (so với cùng kỳ năm 2016, giảm hơn 170 ha); trong đó có khoảng 600 ha diện tích cà phê không được chăm sóc thường xuyên theo quy trình kỹ thuật bởi lý do một số diện tích trồng trên địa thế đất dốc, chi phí đầu tư và công chăm sóc lớn, đầu ra và giá cả cà phê không ổn định nên người dân không tập trung thực hiện.

Có khoảng 70% diện tích cây cà phê (trên 2.200ha) trồng trên đất dốc từ 8 đến 30 độ; phần lớn diện tích cà phê đã trồng không tạo bậc thang, không trồng theo đường đồng mức, không có băng thực vật giữ ẩm, cải tạo đất; một số vườn cây trồng không đúng quy trình kỹ thuật, áp dụng không đầy đủ các biện pháp canh tác hợp lý; trên 70% diện tích vườn cà phê chưa có cây che bóng hoặc có nhưng không đảm bảo về mật độ, tỷ lệ che bóng…

Phơi cà phê tươi sau khi thu hoạch. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Hiện nay, trên địa bàn có 4 cơ sở chế biến cà phê rang bằng máy móc hiện đại và một số cơ sở chế biến say thủ công; sản lượng sản xuất ước đạt 5 tấn sản phẩm cà phê rang say, giá trị sản phẩm ước đạt 1.500 triệu đồng.

Hoạt động tiêu thụ cà phê trấu ở địa phương chủ yếu do các doanh nghiệp từ nơi khác đến (4 doanh nghiệp), cùng với tư thương trên địa bàn chung mua qua đại lý nhỏ, bao tiêu sản lượng trên địa bàn, do đó giá cả, sản lượng cà phê tiêu thụ phụ thuộc vào các doanh nghiệp.

Trong các niên vụ từ năm 2012 đến nay giá cà phê tươi luôn biến động và giảm mạnh. Năm 2015 giảm xuống chỉ còn 5.000 đồng đến 6.000 đồng/kg quả tươi, năm 2016 giá biến động từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg quả tươi, dự báo cả niên vụ 2017 giá biến động từ 5.000 đồng đến 9.000 đồng/quả tươi.

Hoạt động sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng cũng đang đối diện với những khó khăn như: giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định; công lao động thu hái cà phê cao dẫn đến thiếu nhân lực; việc sơ chế thực hiện theo công nghệ chế biến ướt và ít được xử lý chất thải đúng quy trình, việc thu hái chưa đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật nên ảnh hưởng đến phẩm.

Trong những năm qua, ngoài hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm được thực hiện bằng các hình thức gửi sản phẩm tham gia các hội trợ, làm quà tặng, đồ uống phục vụ các ngày lễ, các sự kiện lớn trên địa bàn; chủ động hỗ trợ doanh nghiệp địa phương quảng bá giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm…

Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn chưa là “đáp án” căn cơ để tạo dựng nên thương hiệu cà phê Mường Ảng vươn xa, chiếm lĩnh thị trường trên cả nước.

Huyện Mường Ảng cũng đề nghị tỉnh Điện Biên chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp giúp đỡ UBND huyện Mường Ảng xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Mường Ảng; quan tâm hỗ trợ, lựa chọn cà phê vào danh mục sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, góp phần quảng bá giới thiệu mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục