Cà phê Việt Nam: “Một mình một chợ” nhưng giá vẫn giảm

19:26' - 10/12/2015
BNEWS Trên thị trường cà phê thế giới hiện nay, Việt Nam gần như “một mình một chợ” thế nhưng giá cà phê Việt Nam không những không tăng mà còn giảm.
Cà phê Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Nguyên nhân vì cà phê Việt Nam đang sử dụng sàn London và New York để giao dịch trong khi các nhà đầu cơ tài chính sử dụng sàn này để điều tiết thị trường giá. 

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã cho biết như vậy t ại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2014/2015 và phương hướng nhiệm vụ niên vụ cà phê 2015/2016 do Hiệp hội cà Phê ca cao Việt Nam tổ chức ngày 10/12, tại Hà Nội.
Theo ông Đỗ Hà Nam, doanh nghiệp hi vọng giá lên nên giữ hàng lại và thậm chí, đưa hàng lên nhưng không "phích" giá đã làm xuất hiện lượng hàng hóa Việt Nam lên sàn nhưng không được bán ra, dẫn đến bị các công ty nước ngoài ép giá.

Bên cạnh đó, c ác nhà đầu cơ tài chính lại không quan tâm đến giá trị sản phẩm cà phê. Khi nàh đầu cơ thấy rằng, nếu làm cho giá cà phê xuống thì được hưởng khoảng chênh lệnh lớn hơn thì họ sẵn sàng đẩy giá xuống.
“Vì vậy, khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường như vậy phải hiểu rất rõ đây là cuộc chơi toàn cầu. Nếu chúng ta không hiểu cuộc chơi này thì kể cả khi chúng ta mất mùa thì giá cà phê vẫn cứ xuống. Bản chất của họ là tạo ra sự chênh lệch”, ông Đỗ Hà Nam bày tỏ.

Thu hoạch cà phê tại Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

Cũng theo ông Đỗ Hà Nam, Việt Nam vẫn phải sử dụng sàn nhưng cần hạn chế tối đa ảnh hưởng từ sàn. Việt Nam đã nghĩ đến việc phải lập sàn riêng của Việt Nam ở Buôn Ma Thuột nhưng đến giờ này vẫn chưa thành công.

Mặc dù Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang Ấn Độ, một trong những nước lập sàn rất thành công nhưng mọi việc vẫn còn mới mẻ. Hi vọng Chính phủ cùng với các cơ chế chính sách nghiên cứu để có một sàn, hạn chế chịu ảnh hưởng của các sàn kia bởi Braxin cũng đã có sàn riêng và cũng cố gắng để bảo vệ hàng hóa của họ.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao khuyến cáo, người trồng cà phê, các doanh nghiệp không nên bán hàng giao quá xa khi không có hàng thực trong kho và khi bán trừ lùi phải có biện pháp quản lý rủi ro.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, trong lúc giá cà phê nhân xuống hàng ngày thì giá cà phê hòa tan vẫn có xu hướng tăng cao. Giá cà phê xuất khẩu hiện chỉ còn 1.800 USD/tấn, so với cao điểm 2.100-2.200 USD/tấn của vụ trước, giảm 300-400 USD/tấn.
Những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn đến việc xuất khẩu cà phê chế biến (rang xay, hòa tan). Dự kiến, năm 2015, lượng xuất khẩu cà phê chế biến có thể tăng 25% so với năm 2014, đạt mức xuất khẩu tương đương năm 2013 (do 9 tháng 2015 xuất khẩu được gần 52.000 tấn).
Niên vụ 2014/2015 đã thu hoạch xong, sản lượng giảm trên 20% so với niên vụ trước. Nguyên nhân giảm do thời tiết thay đổi, hạn hán nghiêm trọng trong thời kỳ cà phê phát triển, mưa đến sớm khi thu hoạch, cà phê ra hoa không tập trung.

Việt Nam cũng đã có chương trình tái canh cho các vườn cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi, tuy nhiên vì nhiều lý do khiến quá trình tái canh diễn ra khá chậm khiến diện tích cà phê năng suất xuống thấp càng tăng.
Ông Nguyễn Nam Hải đánh giá, niên vụ 2014/2015 đúng là một niên vụ đầy biến động với giá cà phê lên xuống liên tục. Đầu vụ giá ở mức cao nhưng sau đó đi xuống nhanh chóng. Tỷ giá đồng VND và USD ngày một tăng cao khiến giá cà phê khó phục hồi ngay cả khi đã cuối vụ, sản lượng cà phê xuống thấp, lượng tồn kho không nhiều. Đây là một nghịch lý chưa từng có trong lịch sử ngành cà phê.
Hiện nay, Việt Nam đã bước vào thu hoạch niên vụ 2015/2016, có nhiều thông tin dự báo khác nhau nhưng qua đoàn khảo sát và thông báo của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng thì sản lượng niên vụ 2015/2016 sẽ giảm khoảng 10% so với niên vụ trước.

Nguyên nhân do diện tích cà phê già năng suất thấp tiếp tục gia tăng. Thứ hai là hiện tượng El Nino gây hạn hán và biến động thời tiết thất thường sẽ dẫn đến hạt nhỏ, vùng không đủ nước thậm chí mất trắng; giá cà phê xuống thấp, nhân cao cao làm cho người trồng cà phê giảm chăm bón dẫn đến năng suất thấp.
Ông Đỗ Hà Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét mở rộng ngân hàng cho vay tái canh cà phê. Nếu chỉ để một ngân hàng duy nhất (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho vay tái canh thì cần đánh giá tại sao Ngân hàng không hoàn thành kế hoạch và phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cần cho phép mở rộng thêm các ngân hàng thương mại thu xếp vốn cho vay thu mua, tái canh cà phê./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục