Các chỉ số chứng khoán Mỹ tuần qua giảm mạnh

11:16' - 15/01/2022
BNEWS Chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên cuối tuần trái chiều, nhưng đều khép lại tuần qua với mức giảm mạnh, khi triển vọng lãi suất tăng đã gây lo ngại về đà phục hồi của nền kinh tế sau tác động của dịch.

Chỉ số Dow Jones chốt phiên 14/1 giảm 201,81 điểm, hay 0,6%, xuống 35.911,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,82 điểm, hay 0,1%, lên 4.662,85 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 86,94 điểm, hay 0,6%, lên 14.893,75 điểm.

 

Trong phiên 13/1, phố Wall đã chịu áp lực trở lại sau hai phiên tăng điểm liên tiếp trước đó. Chỉ số Dow Jones giảm 177 điểm, hay 0,49%, xuống 36.113,62 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 67 điểm, hay 1,42%, xuống 4.659,03 điểm. Còn chỉ số Nasdaq Composite giảm 382 điểm, hay 2,51%, xuống 14.807 điểm.

Trong phiên giao dịch 12/1, thị trường chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ hai liên tiếp, sau số liệu về tỷ lệ lạm phát tại nước này. Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 0,1% lên 36.290,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên 4.726,35 điểm. Còn chỉ số Nasdaq tăng 0,2% lên 15.188,39 điểm.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên 11/1, với chỉ số Nasdaq Composite dẫn đầu đà tăng, khi không có những bất ngờ lớn trong phiên điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại Quốc hội. Chỉ số Dow Jones chốt phiên tăng 183,15 điểm, hay 0,51%, lên 36.252,02 điểm.

Chỉ số S&P 500 tăng 42,78 điểm, hay 0,92%, lên 4.713,07 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 210,62 điểm, hay 1,41%, lên 15.153,45 điểm.

Các chỉ số giảm trong phiên giao dịch đầy biến động ngày 10/1, khi các thị trường đánh giá việc thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ để kiềm chế lạm phát tăng cao.

Kết thúc phiên này, chỉ số Dow Jones giảm 0,5% xuống 36.068,87 điểm, và chỉ số S&P 500 giảm 0,1% xuống 4.670,19 điểm, Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,1% lên 14.492,83 điểm.

Trong cả tuần, chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 cùng giảm 0,3%, trong khi chỉ số Dow Jones giảm 0,9%.

Theo Dow Jones Market Data, chỉ số Nasdaq Composite giảm ba tuần liên tiếp, trong khi chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm hai tuần liên tiếp.

Lòng tin của nhà đầu tư trên phố Wall giảm sút trước khả năng lạm phát tăng và do những lo ngại về triển vọng kinh tế.

Các quan chức Fed đã nói đến kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua việc tăng lãi suất trong năm nay nhằm hạ nhiệt lạm phát.

Những lo ngại về triển vọng kinh tế ngắn hạn cũng đang gây ra biến động trên thị trường.

Chủ tịch chi nhánh Fed tại New York, John Williams, nhận định sự lây lan của biến thể Omicron sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vài tháng tới khi người dân hạn chế tham gia các hoạt động đông người.

Ông dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong năm nay xuống mức 3,5%, so với mức tăng ước tính 5,5% của năm ngoái.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 14/1 công bố báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ giảm 1,9% trong tháng 12/2021, vượt mức dự báo giảm 0,1% của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của The Wall Street Journal.

Nhà phân tích Giorgio Caputo tại công ty quản lý tài sản J O Hambro Capital Management, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), cho rằng lạm phát giá tiêu dùng có thể đang gây sức ép lên hoạt động bán lẻ cùng với sự lây lan nhanh của biến thể Omicron.

Ông Williams dự báo lạm phát sẽ giảm xuống khoảng 2,5% trong năm nay, khi tốc độ tăng chậm lại và những gián đoạn của chuỗi cung ứng từng bước được giải quyết.

Trong khi đó, quan chức của Fed Christopher Waller nói rằng có thể có năm lần tăng lãi suất trong năm nay, khi Fed nỗ lực kiềm chế lạm phát./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục