Các chính sách mới từ tháng 1/2022 người dân và doanh nghiệp cần biết

11:01' - 28/12/2021
BNEWS Từ tháng 1/2022, nhiều nghị định, quyết định của các cơ quan hành chính nhà nước có hiệu lực.

Trong các nghị định và quy định mới có nhiều chính sách với phạm vi ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội của người dân có hiệu lực như: tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ tiếp tục được điều chỉnh tăng; tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu của tháng 12/2021 cho một số nhóm đối tượng; tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu...

*Tiếp tục tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động

Thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động theo Bộ luật Lao động 2019, từ 1/1/2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ tiếp tục được điều chỉnh tăng.

Cụ thể, năm 2022, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 6 tháng, tăng 3 tháng so với tuổi nghỉ hưu quy định của năm 2021, lao động nữ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi 8 tháng, tăng 4 tháng so với năm 2021.

Trong trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 5-10 tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu hằng năm của người lao động là nhằm tiến tới đến năm 2028, nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi.

*Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng

Ngày 7/12/202, Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2021/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Theo Nghị định, kể từ ngày 1/1/2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu của tháng 12/2021 cho các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.

Điều chỉnh tăng thêm đối với các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 108/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau: tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.

Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng sau khi điều chỉnh theo quy định này là căn cứ để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ở những lần điều chỉnh tiếp theo.

Nghị định số 108/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/1/2022.

* Thu nhập từ 2 triệu đồng/tháng trở xuống ở thành thị được coi là nghèo

Nghị định số 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều, thay thế cho Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ban hành từ năm 2015, quy định từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo.

Trước đây, ở thành thị, hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng-1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì mới được coi là hộ nghèo. Còn ở nông thôn, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng-1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

* Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu

Từ ngày 1/1/2022, sẽ tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu do có sự điểu chỉnh về mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Hiện nay, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.

Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ thay đổi căn cứ vào Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, quy định về chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống. Chuẩn hộ nghèo tại khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống. Do đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu từ 1/1/2022 sẽ tăng lên.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất sẽ là 330.000 đồng/tháng (cách tính bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn: 22% x 1,5 triệu đồng). Hiện nay, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất mà người tham gia bảo hiểm xã hội phải đóng, bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 154.000 đồng/tháng (22% x 700.000 đồng).

Cùng với đó, mức hỗ trợ tiền đóng của nhà nước đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng tăng lên. Theo đó, đối với người tham gia thuộc hộ nghèo thì số tiền hỗ trợ sẽ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng; hỗ trợ cho hộ cận nghèo tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng và hỗ trợ cho người tham gia thuộc đối tượng khác tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng.

Do năm 2022 chưa thực hiện cải cách tiền lương nên lương cơ sở 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng. Vì thế, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa là 29.800.000 đồng/tháng.

*Vay ưu đãi để xây dựng mới nhà ở tối đa 500 triệu đồng

Ngày 30/11/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 20/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2015/TT-NHNN ngày 09/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Theo Thông tư, mức vốn cho vay đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình như sau: Mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay; mức vốn cho vay tối đa không quá 500.000.000 đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay (so với hiện hành, Thông tư số 20/2021/TT-NHNN đã giới hạn mức vốn cho vay không quá 500.000.000 đồng).

Về thời hạn cho vay, đối với đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, thời hạn cho vay do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng và tối đa không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên (hiện hành chỉ quy định thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm).

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/1/2022.

*Giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh 10 ngày một lần

Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu sẽ có hiệu lực từ ngày 2/1/2022.

Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng (tức là 10 ngày một lần). Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.

Trước đây, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP quy định khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.

Việc rút ngắn khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá, xăng của Nghị định số 95 được cho là nhằm tránh tình trạng tăng giá sốc, giảm giá chậm như hiện nay.

*Xử phạt xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát hành trình

Các chủ xe ô tô kinh doanh vận tải cần lưu ý, bắt đầu từ ngày 1/1/2022, nếu ô tô không có camera giám sát sẽ bị xử phạt. Đây là một trong những nội dung quy định của Nghị quyết số 66 /NQ-CP năm 2021 của Chính phủ.

Theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP năm 2020, quy định xử phạt nêu trên sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2021, tuy nhiên sau đó Chính phủ tiếp tục ra Nghị quyết 66 tạm ngưng việc xử phạt nêu trên hết hết ngày 31/12/2021.

Như vậy, từ ngày 1/1/2022, ô tô kinh doanh vận tải gồm: taxi, xe khách, xe buýt, xe hợp đồng… bắt buộc phải lắp camera giám sát, nếu không sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng.

*Gia hạn giảm 37 khoản phí

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thông tư có hiệu lực kể từ 1/1/2022 đến hết ngày 30/6/2022.

Theo Thông tư này, kể từ ngày 1/1/2022, Bộ Tài chính tiếp tục bổ sung thêm 3 khoản phí, lệ phí vào danh mục các khoản phí, lệ phí được giảm, nâng tổng số khoản phí, lệ phí được giảm từ 34 khoản lên 37 khoản phí, lệ phí.

Ba khoản phí, lệ phí được bổ sung giảm trong 6 tháng đầu năm 2022 là: Giảm 50% đối với Lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa; giảm 20% đối với phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với nghiệp vụ di động mặt đất (Mạng viễn thông di động mặt đất nhắn tin dùng riêng và Mạng viễn thông dùng riêng sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ di động, mạng viễn thông di động mặt đất trung kế).

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 37 khoản phí, lệ phí được giảm với mức giảm từ 10-50% so với quy định hiện hành.

Thông tư quy định rõ cách tính phí đối với phí sử dụng đường bộ quy định tại Số thứ tự 28 và phí sử dụng tần số vô tuyến điện quy định tại Số thứ tự 36 trong Biểu nêu tại Thông tư 120/2021/TT-BTC./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục