Các chuyên đề hỗ trợ xây dựng nông thôn mới đang triển khai rất chậm

12:35' - 25/02/2025
BNEWS Mặc dù nguồn vốn cho đầu tư xây dựng nông thôn mới phát huy hiệu quả phát triển kinh tế địa phương, tuy nhiên quá trình triển khai chương trình giai đoạn 2021-2025 vẫn đang còn nhiều hạn chế.
Các tuyến đường giao thông nông thôn tại Sóc Trăng đều được bê tông hóa. Ảnh: Tuấn Phi - TTXVN

Mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới tiếp tục được các địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và hằng năm. Mặc dù nguồn vốn cho đầu tư xây dựng nông thôn mới phát huy hiệu quả phát triển kinh tế địa phương, tuy nhiên, có nhiều ý kiến đặt vấn đề về tiêu chí mới trong việc thực hiện chương trình nông thôn mới cho phù hợp bối cảnh mới, nhất là khi quá trình triển khai chương trình giai đoạn 2021-2025 vẫn đang còn nhiều hạn chế, tồn tại.

Đó là, nguồn vốn ngân sách trung ương giao thực hiện chương trình giải ngân hiện rất chậm, đạt tỷ lệ thấp và phải trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện qua nhiều năm. Một số địa phương chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và các thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định.

Bên cạnh đó, tiến độ triển khai các chương trình chuyên đề hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nhất là các mô hình thí điểm đã được Trung ương phê duyệt danh mục (các địa phương chủ động phê duyệt dự án, đề án, kế hoạch và quản lý kinh phí, thực hiện) rất chậm. Đến nay, vẫn còn 8/27 mô hình thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), 4/19 mô hình thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn, 16/40 mô hình thuộc Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, 5/15 mô hình thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, chưa được cấp có thẩm quyền ở địa phương phê duyệt dự án, kế hoạch chi tiết để thực hiện.

Đưa điện về vùng sâu, vùng xa phục vụ nuôi tôm phát triển kinh tế. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Mô hình tổ chức và cơ chế làm việc của Văn phòng điều phối nông thôn mới cấp tỉnh ở các địa phương có sự khác nhau, chưa có sự thống nhất. Chẳng hạn như có địa phương, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh trực thuộc UBND tỉnh; có địa phương thuộc Chi cục phát triển nông thôn…. Cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên cũng ảnh hưởng đến việc tham mưu triển khai thực hiện cũng như theo dõi, tổng hợp thực hiện chương trình ở cơ sở.

Bên cạnh đó, kết quả đạt chuẩn xã nông thôn mới của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, điển hình như (Đồng bằng sông Hồng 100%, Đông Nam Bộ 97,8%; trong khi đó, Miền núi phía Bắc mới đạt 52,6%, Tây Nguyên 62,2%); vẫn còn 4 tỉnh thuộc khu vực Miền núi phía Bắc, có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới dưới 30%. Đặc biệt, đến nay vẫn còn 11 huyện nghèo thuộc 8 tỉnh “trắng xã nông thôn mới”; 4 tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam đã yêu cầu các địa phương cần bám sát những thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành để triển khai kịp thời mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương mình.

Thứ trưởng lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiện nếu có những vướng mắc cần chủ động phối hợp để tháo gỡ kịp thời để phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục tạo được sự lan tỏa rộng rãi, đi vào chiều sâu, được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030 sẽ phấn đấu có trên 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%; trong đó, phấn đấu 35% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nhiều thôn của thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) lắp camera giám sát theo mô hình thôn thông minh. Ảnh: Thanh Vân - TTXVN

Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp từ 2,5 - 3 lần so với năm 2020”; tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, cấp thiết ở địa phương nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn...

Bên cạnh đó, tập trung triển khai các chương trình chuyên đề (chương trình OCOP); chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh; chương trình nâng cao chất lượng tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới...) nhằm đảm bảo xây dựng nông thôn mới thực chất, đi vào chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc để phát triển nông thôn hiện đại, văn minh, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, sau hơn 3 năm triển khai, thực hiện, cả nước đã huy động được hơn 2,9 triệu tỷ đồng đầu tư cho phát triển khu vực nông thôn, là khu vực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo số liệu tổng hợp kết quả xây dựng nông thôn mới đến tháng 1/2025, cả nước đã có 6.250/8.014 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9,8% so với cuối năm 2021 và đạt 97,5% mục tiêu giai đoạn 2021-2025 được giao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2024 đạt khoảng 56,4 triệu đồng/người/năm, tăng 1,35 lần so với năm 2020)...

 

Bà Trương Thị Lan Phương, Bí thư Chi bộ Khu dân cư số 5, huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Đảng viên, cán bộ và nhân dân rất là đồng tình, đồng thuận ủng hộ và hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, cũng nhận thấy có nhiều khởi sắc, về cơ sở hạ tầng về công viên thì cũng được cải tạo và nâng cấp.

Đến nay, huyện Côn Đảo có hơn 71 km với 59 tuyến đường giao thông được nhựa hóa 100%. Nhà máy điện An Hội với 13 tổ máy phát điện diesel, có tổng công suất là 15.720kW; trạm cung cấp nước Côn Đảo hiện có tổng công suất khai thác xử lý là 5.400 m³/ngày đêm, đảm bảo nguồn cấp điện, nước sinh hoạt cho nhân dân và khách du lịch. Giai đoạn 2010-2023, tổng nguồn vốn đầu tư trên địa bàn huyện Côn Đảo khoảng 3.400 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, tỉnh Bến Tre thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, tỉnh Bến Tre có 113/132 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 46/113 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thời gian tới, tỉnh Bến Tre tiếp tục cân đối, bố trí nguồn vốn từ nguồn ngân sách Trung ương hơn 268 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển của địa phương khoảng hơn 436 tỷ đồng; vốn hỗ trợ lồng ghép khoảng 500 tỷ đồng để thực hiện các dự án, công trình cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Tỉnh sẽ huy động tối đa nguồn lực của địa phương thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tăng cường vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án.

>>> Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục