Các công ty châu Á dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ pin toàn cầu

06:30' - 27/09/2020
BNEWS Trong 10 công ty hàng đầu đăng ký bản quyền sáng chế về pin và các công nghệ tích trữ điện khác trong giai đoạn 2000-2018, có tới 9 công ty là công ty châu Á.

Văn phòng Cấp bằng sáng chế châu Âu (EPO) tại Munich (Đức) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố nghiên cứu cho biết, trong 10 công ty hàng đầu đăng ký bản quyền sáng chế về pin và các công nghệ tích trữ điện khác trong giai đoạn 2000-2018, có tới 9 công ty là công ty châu Á.   

Nghiên cứu cho thấy trong giai đoạn trên, hoạt động cấp bằng sáng chế cho công nghệ tích trữ điện tăng nhanh hơn nhiều so với tất cả các hoạt động cấp bằng sáng chế khác.

Đơn cử chỉ riêng trong năm 2018 đã có hơn 7.000 đăng ký bản quyền sáng chế quốc tế đồng dạng (IPF) cho công nghệ tích trữ điện, tăng gấp 7 lần so với mức 1.000 đăng ký cách đây 20 năm.     

Cũng theo nghiên cứu, các công ty hàng đầu đăng ký bản quyền sáng chế pin và công nghệ tích trữ điện gồm Samsung, LG (đều của Hàn Quốc), Panasonic, Toyota (Nhật Bản) và Bosch (Đức). Trong đó, công ty Bosch là đại diện duy nhất không thuộc châu Á nằm trong nhóm 10 công ty hàng đầu đăng ký bản quyền công nghệ pin.

Năm 2018, hơn 1/3 đăng ký bản quyền sáng chế quốc tế đồng dạng có liên quan tới pin thuộc về các công ty và các nhà sáng chế của Nhật Bản. Ngoài ra, Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ cũng đóng góp đáng kể cho việc gia tăng các sáng chế pin trên toàn cầu kể từ giữa những năm 2000. 

Chủ tịch EPO Antonio Campinos nhận định công nghệ tích trữ điện ngày càng đóng vai trò quan trọng do đáp ứng được nhu cầu điện lưu động cũng như đáp ứng được việc dịch chuyển sang năng lượng tái tạo - yếu tố cần thiết trong công cuộc giảm thiểu tác động gây biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục