Indonesia đầu tư 3,7 tỷ USD để xây dựng 31.000 trạm sạc pin cho xe điện

08:35' - 14/09/2020
BNEWS Tập đoàn điện lực quốc doanh PLN của Indonesia ước tính quốc gia này cần xây dựng hơn 31.000 trạm sạc xe điện (EV) mới vào năm 2030 để đạt được các mục tiêu do chính phủ đề ra.

Theo lộ trình phát triển trạm sạc của PLN, các công ty tư nhân và nhà nước cần đầu tư 54.600 tỷ rupiah (3,7 tỷ USD) để lắp đặt 31.000 trạm sạc thương mại trong vòng 10 năm tới.

Trong đó, 2/3 số trạm trên sẽ được lắp đặt tại thủ đô Jakarta và phần còn lại tại các thành phố xa cực Đông như Makassar, Nam Sulawesi. Ngoài các trạm xăng, các trạm sạc này sẽ được xây dựng tại các trung tâm mua sắm, chợ, khu chung cư và các địa điểm khác có bãi đậu xe rộng.

Phó Chủ tịch phụ trách công nghệ của PLN, ông Zainal Arifin, cho biết các trạm sạc chủ yếu phục vụ các phương tiện thương mại di chuyển thường xuyên như xe taxi, xe buýt và xe ôm công nghệ, trong khi đó xe cá nhân có thể được sạc khi đậu tại nhà.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo trực tuyến về quy định mới của Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản đối với các trạm sạc EV được tổ chức mới đây, ông Zainal cho hay cách hiệu quả nhất là sạc điện qua đêm và do vậy PLN có thể tính tiền điện rẻ hơn vào ban đêm.

Lộ trình của PLN và quy định mới của Bộ Năng lượng là hai trong số các các văn bản được hy vọng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng EV trong nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Hai văn bản này được xây dựng dựa vào Sắc lệnh Tổng thống số 55/2019 về EV.

PLN dự báo Indonesia sẽ có 326.000 EV trong lộ trình 2020-2025, giúp giảm sự phụ thuộc của quốc gia này vào dầu mỏ vốn đang phải nhập khẩu phần lớn với kim ngạch ngày càng tăng và làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt thương mại.

Theo số liệu của cảnh sát giao thông, tính đến tháng Tám vừa qua, vùng Đại Jakarta có tổng cộng 1.419 EV, trong đó 95% là xe máy. Quy định mới của Bộ Năng lượng hỗ trợ phát triển EV thông qua việc tiêu chuẩn hóa các loại ổ cắm sạc và tập trung cấp giấy phép kinh doanh cho ba loại trạm gồm trạm đổi pin, trạm sạc thương mại và trạm sạc riêng.

Theo Giám đốc phát triển kinh doanh điện lực thuộc Bộ Năng lượng Hendra Iswahyudi, quy định số 13/2020 của Bộ này nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng và mang tới cho họ thêm sự lựa chọn.

Ngày 1/9, Bộ Năng lượng Indonesia đã khánh thành các trạm đổi pin đầu tiên trên cả nước dành cho xe máy điện. Các trạm này thuộc sở hữu của công ty khởi nghiệp PT “EzyFast” Energi Pratama.

Theo Bộ Năng lượng, Cơ quan Đánh giá và Ứng dụng Công nghệ (BPPT), số lượng trạm đổi pin ở Indonesia dự kiến sẽ đạt 52.125 cơ sở vào năm 2030 để phục vụ cho các EV. Tuy nhiên, cả ông Hendra và ông Zainal đều thừa nhận rằng vẫn còn nhiều công việc phải làm như soạn thảo luật về tái chế pin và kéo giảm giá ô tô điện.

Theo một nghiên cứu của Viện Cải cách các Dịch vụ Thiết yếu (IESR), ô tô điện hiện đang có giá cao gấp 3 lần so với các loại xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, trong khi xe máy điện đắt hơn 1,5 lần so với xe máy thường.

IESR cho rằng việc thiếu các trạm sạc là một trong ba yếu tố chính kìm hãm sự phát triển của ô tô điện tại Indonesia, bên cạnh việc thiếu các ưu đãi tài chính và chi phí hỗ trợ cơ sở hạ tầng xe điện cao.

Giám đốc điều hành IESR, ông Fabby Tumiwa đánh giá rằng ngành công nghiệp xe điện trong nước vẫn chưa phát triển và do vậy nhiều khả năng hầu hết xe điện sẽ được nhập khẩu trong 2-3 năm tới.

Ông Fabby cũng nhấn mạnh sự cần thiết chi tiết hóa chiến lược định giá điện và vị trí xây trạm sạc để phù hợp với thói quen sử dụng và thúc đẩy sự phát triển EV tại Indonesia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục