Các công ty tài chính toàn cầu chật vật vì khủng hoảng Ukraine

14:43' - 25/02/2022
BNEWS Các công ty tài chính từ Frankfurt đến Phố Wall đã phải hứng chịu giá cổ phiếu giảm mạnh trong phiên ngày 24/2 do tác động từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.
Vì vậy, các công ty tài chính này đang tìm cách ứng phó với các lệnh trừng phạt mới được áp đặt và nhanh chóng tư vấn cho khách hàng trong tình hình hiện nay.

Nga là đối tác thương mại lớn thứ năm của Liên minh châu Âu (EU), chiếm 5% thị phần thương mại. Trong khi thương mại của Mỹ với Nga chưa đến 1% tổng kim ngạch.

Deutsche Bank, ngân hàng cho vay lớn nhất của Đức, cho biết họ đã có kế hoạch dự phòng khi Mỹ và châu Âu áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

 
Ngân hàng Anh Lloyds cho biết ngân hàng này đang trong tình trạng "cảnh giác cao độ" về các cuộc tấn công mạng, trong khi "gã khổng lồ" quản lý tài sản và bảo hiểm của Đức Allianz đã đóng băng việc tiếp nhận trái phiếu Chính phủ Nga.

Mặc dù các ngân hàng Mỹ đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho các biện pháp được công bố cho đến nay liên quan đến căng thẳng Nga-Ukriane, song các ngân hàng này lo ngại rằng các biện pháp mới có thể làm tăng chi phí và sự phức tạp của việc thực thi chúng.

Jamie Cox, đối tác quản lý của Harris Financial Group ở Richmond, Virginia cho biết bất cứ khi nào xuất hiện căng thẳng tài chính xuyên biên giới, các công ty tài chính, đặc biệt là ngân hàng, có xu hướng trở thành tâm điểm bởi có các hoạt động kinh doanh ở tất cả các khu vực đó.

Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các ngân hàng lớn của Nga, bao gồm cả hai ngân hàng cho vay lớn nhất của nước này là Sberbank và VTB nhằm hạn chế quyền truy cập của Nga vào hệ thống tài chính của Mỹ. Cổ phiếu của Sberbank và VTB lần lượt giảm 37% và 41%.

Reuters cho hay một số ngân hàng cùng với các chuyên gia đã gọi điện cho khách hàng để phân tích tình hình. Ngân hàng Goldman Sachs đã tổ chức một buổi tư vấn cho các khách hàng tư nhân của mình.

Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho thấy các ngân hàng châu Âu tiếp xúc nhiều nhất với Nga, đặc biệt là ở Pháp, Italy và Đức, lớn hơn nhiều so với các ngân hàng Mỹ.

Giá cổ phiếu của ngân hàng Raiffeisen International (Áo) giảm 23%, trong khi cổ phiếu của Societe Generale mất 12%, mặc dù ngân hàng Pháp này cho biết ngân hàng  Rosbank của Nga vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Giá cổ phiếu của UniCredit giảm 13,5% và kích hoạt lệnh tạm ngừng giao dịch tự động. Cổ phiếu của Deutsche Bank đã giảm 11%, mức giảm lớn nhất trong số các cổ phiếu blue-chip của Đức.

Theo một số nguồn tin EU, trong giai đoạn này, EU sẽ không thể thực hiện các bước để loại Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục