Các công ty than của Indonesia “loay hoay” trước lệnh cấm xuất khẩu

09:51' - 07/01/2022
BNEWS Các công ty khai thác than của Indonesia đã tìm mọi cách để được miễn trừ khỏi lệnh cấm xuất khẩu than được đưa ra vào đầu năm 2022 do chi phí phải trả cho việc hàng loạt tàu bị kẹt ngoài khơi tăng.

Indonesia- nhà xuất khẩu than lớn nhất thế giới- đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu để tránh tình trạng mất điện trong nước, gây ra lo ngại đối với các khách hàng lớn nhất của họ như Trung Quốc và Nhật Bản, ngay khi nhu cầu điện cao điểm của mùa Đông vừa tới.

Chính phủ Indonesia đã cam kết bắt đầu xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu than bắt đầu từ hôm 5/1 nhưng các cuộc đàm phán về vấn đề này đã bị hoãn lại và các quan chức Bộ Năng lượng Indonesia ngày 6/1 cho biết không rõ khi nào họ có thể đưa ra quyết định chấm dứt lệnh cấm này.

Lệnh cấm đã khiến giá than ở Trung Quốc và Australia tăng cao trong tuần này, trong khi khoảng 100 tàu dự kiến chở tổng cộng 5,9 triệu tấn than xuất khẩu đã tập kết ra khỏi tỉnh Kalimantan, nơi có các cảng than chính của Indonesia.

Bumi Resources, công ty khai thác than lớn nhất Indonesia, cho biết mặc dù công ty vẫn đang phân tích tác động tài chính của lệnh cấm xuất khẩu than, song trước mắt lệnh cấm này có thể dẫn đến việc gia tăng các khoản phí khai thác và tiền phạt do chậm giao hàng.

Công ty này hy vọng rằng chính phủ sẽ ngay lập tức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu đối với các công ty đã hoàn thành nghĩa vụ đáp ứng thị trường nội địa.

Các nhà khai thác than Indonesia phải bán 25% sản lượng than của họ cho các nhà máy điện trong nước với giá tối đa 70 USD/tấn. Adaro Minerals Indonesia, một công ty con của công ty khai thác than lớn thứ hai Indonesia Adaro Energy, cho biết họ đã yêu cầu chính phủ cho phép xuất khẩu than luyện kim, được sử dụng để sản xuất thép thay vì sản xuất điện.

Trong khi đó, công ty Indika Energy cho biết họ sẽ cần điều chỉnh hạ sản lượng nếu lệnh cấm tiếp tục được áp đặt.

Than đóng góp khoảng 3 tỷ USD mỗi tháng cho hoạt động thương mại quốc tế của Indonesia và giúp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lên mức cao kỷ lục vào năm ngoái.

Đồng rupiah của Indonesia đã giảm khoảng 1% kể từ lệnh cấm trên được ban hành. Đồng tiền này cũng chịu áp lực hạ giá bởi chính sách tiền tệ có xu hướng “cứng rắn” hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Trong một lá thư gửi Bộ trưởng Năng lượng Indonesia mới đây, Nhật Bản đã yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm đối với than nhiệt lượng cao và yêu cầu các nhà chức trách nước này cấp giấy phép xuất khẩu cho 5 tàu chở than đến Nhật Bản. Theo số liệu thống kê, Nhật Bản nhập khẩu 2 triệu tấn than của Indonesia mỗi tháng,

Dữ liệu theo dõi từ Kpler cho thấy, các cường quốc kinh tế của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu tổng cộng 73% lượng than xuất khẩu của Indonesia vào năm 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục