Các đảo quốc nhỏ yêu cầu các tập đoàn dầu khí bồi thường thiệt hại do biến đổi khí hậu

18:36' - 08/11/2022
BNEWS Thủ tướng Antigua và Barbuda nhấn mạnh các công ty dầu khí đang hoạt động có lời trong khi Trái Đất đang ấm lên.

Ngày 8/11, Thủ tướng Antigua và Barbuda, Gaston Browne cho biết các đảo quốc nhỏ vốn đang chịu tác động của biến đổi khí hậu mong muốn các tập đoàn dầu mỏ bồi thường cho những thiệt hại mà các nước này phải gánh chịu do các trận bão ngoài khơi và mực nước biển dâng cao.

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở Ai Cập, Thủ tướng Browne, đại diện cho Liên minh các đảo quốc nhỏ, nêu rõ: "Ngành dầu khí tiếp tục thu lợi nhuận gần 3 tỷ USD/ngày. Đã đến lúc những công ty dầu khí phải nộp thuế carbon toàn cầu đối với các lợi nhuận thu được, để nguồn tiền này được dùng vào bồi thường cho những thiệt hại và mất mát (của các đảo quốc)".

Thủ tướng Antigua và Barbuda nhấn mạnh, những công ty dầu khí này đang hoạt động có lời trong khi Trái Đất đang ấm lên.

 

Trong khi đó, Tổng thống Senegal Macky Sall trong bài phát biểu tại COP27 cho biết các nước đang phát triển ở châu Phi cũng yêu cầu tăng nguồn tài trợ để các nước này thích ứng với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và sẽ phản đối lời kêu gọi các nước này ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Sall nêu rõ: "Chúng tôi, các nước châu Phi ủng hộ giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, song chúng tôi không thể chấp nhận lợi ích của mình bị phớt lờ".

Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu khoa học Climate Central, người dân ở các vùng nhiệt đới và các đảo quốc nhỏ với đại dương bao xung quanh là những đối tượng chịu tác động lớn của nhiệt độ tăng cao trong khi những khu vực này có lượng phát thải thấp.

Trong khi đó, các quốc gia giàu có hiện vẫn chưa thực hiện cam kết hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển lên 100 tỷ USD/năm, mặc dù Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) ước tính rằng chi phí để thích ứng với biến đổi khí hậu có thể lên tới 1.000 tỷ USD/năm vào năm 2050 nếu tình trạng Trái Đất ấm lên tiếp diễn./.

>>>Mỹ đang tìm kiếm hàng tỷ USD cho tín dụng carbon để hỗ trợ các nước đang phát triển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục