Các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường đang được xử lý

07:55' - 11/08/2017
BNEWS Nhiều “điểm đen” ô nhiễm môi trường tại Khánh Hoà đang được chính quyền địa phương và các ngành chức năng, doanh nghiệp triển khai các biện pháp khắc phục, đạt hiệu quả.

Kết quả giám sát mới đây của Đoàn công tác Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc thực hiện các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều vấn đề nổi cộm; là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, đã được chính quyền địa phương và các ngành chức năng, doanh nghiệp triển khai các biện pháp khắc phục, đạt hiệu quả.

Tiêu điểm là vấn đề xử lý hạt nix thải (bụi xỉ đồng) từ hoạt động sửa chữa tàu biển của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin (HVS) đóng tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, vốn trước đây gặp nhiều khó khăn trong xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Hạt nix là vật liệu được HVS dùng trong quá trình làm sạch thân tàu.

Kể từ tháng 3/2011, HVS đã hoàn toàn chuyển sang lĩnh vực đóng mới tàu biển, chấm dứt quá trình làm dịch vụ hoán cải và sửa chữa tàu kéo dài từ năm 1999. Tuy nhiên, quá trình này đã tồn đọng khoảng 800.000 tấn chất thải hạt nix.

Trên cơ sở chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Khánh Hòa, vấn đề này đã từng bước được tháo gỡ. Theo báo cáo của HVS, từ năm 2013 đến nay, công ty đã ký hợp đồng với ba doanh nghiệp và thực hiện xử lý trên 45% khối lượng hạt nix tồn đọng, tương đương với 357.000 tấn. Với tiến độ như hiện nay, việc xử lý toàn bộ hạt nix tại bãi chứa sẽ sớm được giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Cũng theo kết quả của đoàn giám sát, hiện nay, toàn tỉnh có gần 170 cơ sở khám chữa bệnh, lượng chất thải y tế phát sinh trung bình hơn 3.700 kg, trong đó có khoảng 600 kg chất thải y tế nguy hại. Việc xử lý số chất thải này gặp khó khăn khi hầu hết các lò đốt trong tỉnh đã xuống cấp, kết quả phân tích khí thải lò đốt có lúc vượt quy chuẩn.

Số chất thải nguy hại phải ký kết hợp đồng thuê đơn vị xử lý chất thải ngoài tỉnh đảm trách. Trong hai năm 2016 – 2017, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng 4 cụm xử lý chất thải rắn y tế đặt tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực: Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Ranh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến nay, các hệ thống xử lý chất thải rắn y tế bằng công nghệ vi sóng này cơ bản đã được lắp đặt hoàn thiện.

Trong thời gian sớm, hệ thống này khi đưa vào vận hành chính thức sẽ góp phần tích cực trong việc xử lý chất thải y tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa về lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được Khánh Hòa đẩy mạnh đáng kể, khi một số dự án do doanh nghiệp tư nhân đã và đang đầu tư, thực hiện, như: Nhà máy Xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại của Công ty Cổ phần Môi trường Khánh Hòa; Nhà máy Xử lý rác thải Trảng É của Công ty Cổ phần thành phố mới Khánh Hòa; dự án thu gom, xử lý nước thải Bắc bán đảo Cam Ranh, dự án thoát nước thải phía Tây Nha Trang theo hình thức BT…

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo Đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, đô thị, từ nay đến hết năm 2020, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiến hành, bắt buộc di dời hàng trăm cơ sở sản xuất gạch ngói thủ công, các cơ sở xay xát gạo, giết mổ gia súc gia cầm, chế biến nước mắm, thủy hải sản… đến các khu sản xuất tập trung, nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm tồn tại như lâu nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục