Người dân bức xúc vì cơ sở xay xát nông sản gây ô nhiễm môi trường

08:01' - 30/07/2017
BNEWS Người dân thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đang phải sống chung với ô nhiễm bụi bẩn, tiếng ồn do các cơ sở xay xát nông sản trên địa bàn gây ra.

Huyện Krông Ana là một trong những vựa lúa lớn của tỉnh Đắk Lắk. Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường, toàn huyện có hơn 40 cơ sở xay xát (chủ yếu là lúa, gạo). Hầu hết các cơ sở đều tập trung ở thị trấn Buôn Trấp, nơi có mật độ dân cư đông, dể dàng vận chuyển, lưu thông.

Người dân thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đang phải sống chung với ô nhiễm bụi bẩn, tiếng ồn do các cơ sở xay xát nông sản trên địa bàn gây ra.

Theo các hộ dân, cơ sở xay xát lúa gạo Cúc Phi nằm trên trục đường chính Hùng Vương, tổ dân phố 4, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana mặc dù được che rất chắn kỹ, nhưng bụi cám từ cơ sở này vẫn phát tán ra bên ngoài, tiếng ồn từ các máy xay xát công suất lớn cũng làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của các hộ dân xung quanh.

Ông Nguyễn Văn Công có nhà cách cơ sở xay xát này gần 200m cho hay: “Vào vụ lúa, tiếng máy xát lúa từ cơ sở rập rập cả ngày lẫn đêm, bụi cám vung vãi phủ vào các nhà dân lân cận, trẻ con của các gia đình sống gần cơ sở xay xát đều bị ngứa và mắc các bệnh về đường hô hấp”.

Tổ trưởng Tổ dân phố 4, thị trấn Buôn Trấp, Phan Văn Hiếu cho biết:Tổ dân phố có mật độ dân cư đông. Nhiều năm nay, cơ sở xay xát Cúc Phi gây ô nhiễm bụi bẩn và tiếng ồn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân có kiến nghị chính quyền địa phương cần sớm có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, trách nhiệm của địa phương chỉ được nhắc nhở chứ không đủ thẩm quyền xử lý. Mới đây, vì không chịu được bụi bặm và ô nhiễm tiếng ồn nên hai hộ dân sống bên cạnh cơ sở đã bán nhà đi nơi khác.

Cơ sở xay xát Bích Điệp ở đường Nơ Trang Gưr, thị trấn Buôn Trấp chỉ cách Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Krông Ana và Trường mầm non Hoa Cúc hơn 10m. Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Krông Ana Lương Đức Thuận cho biết: “Trường có 160 học sinh dân tộc thiểu số, các em đều ở nội trú.

Do nằm gần cơ sở xay xát nên mỗi lần gió to, bụi cám từ nhà máy phủ thẳng vào ký túc xá và khuôn viên nhà trường. Nhiều lần nhà trường phát hiện bụi trấu phủ lên quần áo, bàn ghế của các em, đặc biệt gần đây không khí khu vực ký túc xá của trường có mùi khó chịu, nhiều giáo viên và học sinh phản ánh bị viêm họng vì hít phải bụi cám.

Lo lắng về tình trạng sức khỏe, cũng như ảnh hưởng đến việc học tập của các em, trường đã kiến nghị UBND thị trấn có biện pháp yêu cầu các cơ sở khắc phục ô nhiễm".

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Ana Trần Đình Chiến cho biết, trước mắt huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại tất cả các cơ sở xay xát, nhắc nhở chủ cơ sở khắc phục ô nhiễm môi trường, hạn chế tiếng ồn. Cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm những cơ sở nào tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm trong khu dân cư.

Về lâu dài, UBND huyện Krông Ana đã quy hoạch khu công nghiệp rộng 30ha, ở Buôn Ea Căm, thị trấn Buôn Trấp để đưa các cơ sở sản xuất vào khu sản xuất tập trung. Tuy nhiên, hiện do địa phương chưa chủ động được nguồn kinh phí xây dựng khu công nghiệp nên chưa thể di dời các cơ sở xay xát ra khỏi khu dân cư ngay được, ông Trần Đình Chiến cho biết thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục