Các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc tăng tốc đầu tư tại Mỹ

08:42' - 27/03/2025
BNEWS Trong số các doanh nghiệp Hàn Quốc, các công ty chip bán dẫn đang tích cực nhất trong việc đầu tư vào Mỹ. Cả hãng điện tử Samsung và SK hynix đều đang xây dựng nhà máy chip bán dẫn quy mô lớn tại Mỹ.

Hãng tin Bloomberg ngày 26/3 cho biết sau khi hãng ô tô Hyundai công bố kế hoạch đầu tư lớn tại Mỹ trị giá 21 tỷ USD trong vòng 4 năm, khiến Tổng thống Donald Trump hết sức hài lòng, nhiều doanh nghiệp lớn khác của Hàn Quốc cũng đang đồng loạt công bố kế hoạch đầu tư vào Mỹ.

 

Trong số các doanh nghiệp Hàn Quốc, các công ty chip bán dẫn đang tích cực nhất trong việc đầu tư vào Mỹ. Cả hãng điện tử Samsung và SK hynix đều đang xây dựng nhà máy chip bán dẫn quy mô lớn tại Mỹ. Dư luận quan tâm liệu hai hãng này có mở rộng đầu tư thêm hay không.

Trước đó, hãng điện tử Samsung Electronics đã công bố kế hoạch đầu tư hơn 37 tỷ USD và SK hynix đầu tư 3,87 tỷ USD để xây dựng cơ sở sản xuất chip bán dẫn tại "xứ sở cờ hoa". Trước mắt, hai công ty này vẫn xúc tiến đầu tư theo đúng kế hoạch, đồng thời theo dõi thêm tình hình chính sách thương mại của Washington và phân tích các kịch bản đa dạng. Tuy nhiên, cả hai hãng đều đang tỏ ra khá thận trọng, do nhận định việc xây dựng nhà máy mới tại Mỹ sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn, cũng như quy trình sẽ khó khăn hơn. Một phương án đang được nhắc tới đó là đẩy sớm thời gian khởi động nhà máy đang xây dựng, thay vì đầu tư thêm một số tiền khổng lồ để mở rộng nhà máy.

Trong khi đó, Posco cũng đang xem xét đầu tư tại Mỹ để đối phó với việc chính quyền Tổng thống Trump đẩy cao hàng rào thuế quan đối với thép nhập khẩu. Hãng thép Hàn Quốc này đang xem xét đầu tư ở lĩnh vực "công đoạn thượng nguồn" tại Mỹ. Đây là công đoạn đầu trong sản xuất thép, trong đó quặng sắt được nấu chảy trong lò cao hoặc lò điện để sản xuất ra các sản phẩm bán thành phẩm.

Đại diện một hãng thép cho biết trong ngắn hạn, việc đầu tư thêm vào Mỹ sẽ có thể trở thành gánh nặng về vốn cho doanh nghiệp, nhưng xét về dài hạn sẽ vừa giúp cải thiện môi trường kinh doanh do giúp giảm rủi ro thuế quan thông qua việc sản xuất tại Mỹ, vừa có thể đảm bảo nguồn cung thép ổn định cho nhà máy của ô tô Hyundai và các đối tác khác tại Mỹ.

Hanwha Aerospace - công ty quốc phòng lớn nhất của Hàn Quốc gần đây đã công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu mới trị giá 3,6 nghìn tỷ won (2,46 tỷ USD) để huy động vốn đầu tư tương lai, trong số này có 800 tỷ won (546,4 triệu USD) sẽ được đầu tư vào lĩnh vực đóng tàu tại nước ngoài, nhắm tới thị trường Mỹ. Hãng coi việc chính phủ Trump xúc tiến tái thiết ngành đóng tàu nước này là cơ hội và đang xem xét đầu tư thêm vào nhà máy đóng tàu Philly, do hai đơn vị quốc phòng của tập đoàn là Hanwha Ocean và Hanwha Systems mua lại vào năm ngoái. Hãng cũng tích cực xem xét đầu tư trang thiết bị đóng tàu và cổ phần tại nước ngoài, tương tự như quyết định đầu tư cổ phần vào công ty đóng tàu Austal của Australia thời gian gần đây. Austal đang đặt nhà máy tại Mỹ, là doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, chiếm 40% thị phần ở lĩnh vực tàu chiến đấu trên mặt nước cỡ nhỏ trong thị trường tàu chiến Mỹ.

Bên cạnh đó, Hãng hàng không Korean Air đã quyết định tăng tốc nhập máy bay của hãng Boeing và động cơ từ hãng GE Aerospace của Mỹ. Korean Air đã ký kết hợp tăng cường hợp tác với hai công ty Mỹ gần đây. Trước tiên, Korean Air sẽ nhập 20 máy bay Boeing 777-9 và 20 máy bay Boeing 787-10 cho tới năm 2033, nhập thêm 10 máy bay với điều kiện tương tự trong thời gian tới.

Korean Air và GE Aerospace đã đạt được thỏa thuận về việc nhập 8 động cơ dự phòng và 2 động cơ tùy chọn với tổng trị giá 7,8 tỷ USD, đồng thời nhanh chóng triển khai hợp tác dịch vụ bảo trì động cơ GE9X dùng cho máy bay Boeing 777-9.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục