Các dòng sông đang bị ô nhiễm hóa chất dược phẩm

14:18' - 11/04/2018
BNEWS Hệ thống sông ngòi trên thế giới đang phải "chung sống" với một dòng chảy lớn chất thải dược phẩm, có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.

Đó là lời cảnh báo được các nhà nghiên cứu đưa ra trong một hội nghị thường niên của Liên hiệp Các nhà địa vật lý châu Âu tổ chức ở thủ đô Vienna của Áo.

Trưởng nhóm nghiên cứu - ông Francesco Bregoli, một chuyên gia thuộc Viện Delft giáo dục về nước ở Hà Lan, khẳng định "hệ thống nước ngọt trên thế giới đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sự sống do tồn đọng lượng lớn chất thải là dược phẩm".

Thông qua khảo sát nguồn nước, các chuyên gia đã phát hiện một lượng lớn dược phẩm được thải ra môi trường, trong đó có các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc liên quan tới hormone, dược phẩm điều trị bệnh tâm thần hoặc chữa bệnh dị ứng...

Các nhà khoa học cho biết hiện trạng này đặc biệt nguy hiểm đối với môi sinh, có thể gây rối loạn nội tiết và làm biến đổi giới tính ở loài cá và các loài lưỡng cư (sống ở cả trên cạn lẫn dưới nước).

Các chuyên gia đã lấy diclofenac - một loại thuốc kháng viêm - làm "thước đo" nồng độ dược phẩm trong các hệ sinh thái nước ngọt. Đây cũng là loại dược phẩm mà Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ liệt vào danh sách các chất đe dọa môi trường. Kết quả cho thấy hiện nay hơn 10.000 km sông trên thế giới có mật độ dược phẩm vượt quá ngưỡng cho phép 100 nanogramme/lít của EU.

Từ đây, các chuyên gia kết luận về dư lượng các chất tương tự trong hàng nghìn loại dược phẩm và hóa mỹ phẩm thải ra môi trường.

Theo thống kê, mỗi năm, thế giới tiêu dùng khoảng 2.400 tấn diclofenac, và hàng trăm tấn chất này có trong các chất con người thải ra môi trường. Chỉ có một lượng nhỏ (7%) được qua quy trình xử lý tại các cơ sở chăm sóc y tế.

Trong khi đó, hệ sinh thái tự nhiên "hấp thụ" khoảng 20% và phần còn lại hòa vào môi trường biển. Cơ quan môi trường Liên hợp quốc cảnh báo trên thực tế, trong môi trường tự nhiên có tới 70-80% trong số hàng nghìn tấn thuốc kháng sinh các loại mà con người và vật nuôi tiêu thụ.

Theo ông Francesco Bregoli, các chuyên gia quốc tế đang tìm cách phát triển một thuật toán có khả năng tính toán và dự báo được chính xác mức độ ô nhiễm dược phẩm hiện nay và trong tương lai dựa trên các yếu tố như mật độ dân cư, các hệ thống thoát nước và doanh số của ngành dược phẩm.

Giới chuyên gia cảnh báo tình hình có thể xấu hơn nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn ngừa phù hợp do lượng dược phẩm đổ ra hệ thống sông ngòi được dự báo có thể tăng thêm hơn 60% từ nay đến trước năm 2050./.

>>>Ô nhiễm không khí là nguyên nhân đứng thứ 4 dẫn tới nguy cơ tử vong sớm trên toàn cầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục