Các hãng hàng không Australia - New Zealand phản đối tăng phí sân bay

06:45' - 10/03/2017
BNEWS Các hãng hàng không lớn nhất Australia và New Zealand cho biết họ sẽ thành lập một nhóm vận động để phản đối việc tăng phí tại các sân bay khu vực chịu sự quản lý độc quyền của tư nhân.
Qantas Airways Ltd, một trong các hãng hàng không Australia - New Zealand phản đối tăng phí sân bay. Ảnh minh họa: Wings Journal

Ngày 9/3, các hãng hàng không lớn nhất Australia và New Zealand cho biết họ sẽ thành lập một nhóm vận động để hỗ trợ ngành hàng không, có tên gọi Các hãng hàng không cho Australia và New Zealand (A4ANZ), để phản đối việc tăng phí tại các sân bay khu vực chịu sự quản lý độc quyền của tư nhân.

Nhóm vận động A4ANZ bao gồm các hãng hàng không Qantas Airways Ltd, Air New Zealand Ltd, Virgin Australia Holdings Ltd và Regional Express Holdings Ltd, được thành lập với mục đích tương tự như các nhóm vận động khác ở Mỹ và châu Âu. A4ANZ sẽ do ông Graeme Samuel, cựu lãnh đạo cơ quan cạnh tranh của Australia điều hành.

Các sân bay lớn ở Australia và New Zealand thuộc sở hữu của các tổ chức, công ty tư nhân, như công ty Sydney Airport Holdings Ltd. và công ty Auckland International Airport Ltd., chứ không thuộc sở hữu của nhà nước, như ở Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu khác. Do đó, Chính phủ Australia và New Zealand không thể điều hành việc thu phí tại các sân bay trên.

Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Australia, giá cả tăng cao tại các sân bay lớn ở nước này đã tạo thêm nguồn thu 1,57 tỷ đôla Australia (AUD) tương đương 1,18 tỷ USD cho các hãng hàng không trong vòng một thập kỷ qua.

Giám đốc điều hành Qantas Alan Joyce cho rằng phí và lệ phí sân bay tiếp tục tăng, trong lúc các hãng hàng không đang bán vé cho hành khách với mức giá thấp hơn một thập kỷ qua.

Nhóm A4ANZ cũng sẽ vận động cho nhiều vấn đề khác như giảm thuế của chính phủ đối với hành khách và đảm bảo việc tiếp cận thị trường hàng không quốc tế của các đối thủ cạnh tranh là như nhau.

>>> Sắc lệnh nhập cư của ông Trump gây thiệt hại cho ngành hàng không Mỹ

>>> 3 năm kể từ ngày mất tích: MH370 vẫn còn là điều bí ẩn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục