​Các hãng ô tô Nhật Bản ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ

09:11' - 20/02/2025
BNEWS Các hãng ô tô Nhật Bản đang cân nhắc điều chỉnh kế hoạch sản xuất trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chính sách thuế quan chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm của họ trong vài tuần tới.

Tuần trước, ông Trump cho biết các thông báo liên quan đến thuế quan đối với ô tô nhập khẩu sẽ được đưa ra "vào khoảng ngày 2/4" mà không giải thích thêm.

 

Động thái này làm tăng thêm mối lo ngại mới cho các nhà sản xuất ô tô, bao gồm Honda Motor, Nissan Motor và Mazda Motor - vốn đã phải đối mặt với các biện pháp thuế quan khác, chẳng hạn như thuế quan có đi có lại, thuế quan đối với thép và nhôm và có thể là thuế quan 25% đối với Mexico và Canada.

Ô tô, bao gồm xe ô tô chở khách và xe tải, chiếm 28%, hay 6.000 tỷ yen (39,6 tỷ USD), trong tổng số hàng xuất khẩu từ Nhật Bản sang Mỹ - danh mục đơn lẻ lớn nhất theo giá trị - theo số liệu thống kê thương mại của Nhật Bản. Danh mục xuất khẩu lớn thứ hai là phụ tùng ô tô với 6%.

Honda, công ty sản xuất tại Mexico và Canada khoảng một phần ba sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, tạm ước tính tác động khoảng 20 tỷ yen cho tháng 3/2025 nếu các mức thuế quan bổ sung được áp dụng như dự kiến. Shinji Aoyama, Phó Chủ tịch điều hành của hãng sản xuất ô tô này, cho biết: "Chúng tôi hiện đang cố gắng đưa hoạt động sản xuất tại Mexico và Canada sang Mỹ vào cuối tháng 2/2025 càng nhiều càng tốt". Ông nói thêm rằng Honda sẽ cân nhắc các biện pháp khác như thay đổi mẫu xe được sản xuất tại hai quốc gia này.

Giám đốc Tài chính của Honda, Eiji Fujimura, cho biết tổng cộng khoảng 610.000 xe ô tô hàng năm sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ, vì Honda xuất 550.000 xe sản xuất tại Mexico và Canada đến Mỹ và xuất khẩu 60.000 xe từ Mỹ sang hai nước láng giềng.

"Điều này tùy thuộc vào mẫu xe, nhưng giả sử mức giá 30.000 USD cho mỗi xe và tính toán rằng mức thuế 25% được áp dụng cho 610.000 xe, bạn sẽ thấy tác động rõ ràng đến những chiếc xe thành phẩm", ông nói. "Ngoài ra, nếu có thuế quan áp dụng đối với thép, nhôm và các bộ phận, tác động sẽ lên tới hàng trăm tỷ yen", Fujimura cho biết.

Ông Trump đã công bố mức thuế bổ sung 25% đối với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, cả hai đều là nguyên liệu thô chính của ô tô, từ ngày 12/3.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu MarkLines, Nissan và Mazda xuất khẩu từ Mexico lần lượt khoảng một phần ba và một phần tư số ô tô của họ sang Mỹ.

"Nếu mức thuế cao được áp dụng, chúng tôi cần cân nhắc nội bộ về cách chúng tôi có thể sản xuất các sản phẩm mà chúng tôi hiện đang xuất khẩu sang nơi khác, theo dõi chặt chẽ tình hình và đưa ra quyết định", CEO Makoto Uchida của Nissan cho biết.

Đối với Mazda, "Mỹ là thị trường quốc gia quan trọng nhất của chúng tôi và chúng tôi liên tục đối thoại với các quan chức chính phủ có liên quan cũng như các tổ chức thương mại trong ngành để cố gắng thúc đẩy sự ổn định của thương mại tự do và công bằng", Giám đốc Tài chính Jeffrey H. Guyton cho biết.

"Trước đây, chúng tôi đã sản xuất sản phẩm tại các nhà máy ở Mexico để bán ở châu Âu và các quốc gia khác, và "sản xuất luân phiên" là một trong những thế mạnh của Mazda. Đó không phải là chính sách đã quyết định, nhưng chỉ là một trong những điều chúng tôi đang cân nhắc vào thời điểm này", ông nói, ám chỉ đến chiến lược của nhà sản xuất ô tô này nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong sản xuất bằng cách nhanh chóng chuyển đổi sản xuất giữa các nhà máy dựa trên nhu cầu thị trường.

Khi được hỏi về khả năng công ty chuyển sản xuất từ Mỹ sang Nhật Bản và tăng dùng sản phẩm tại thị trường trong nước cho người tiêu dùng Mỹ, ông Guyton cho biết "là một khả năng nhưng chúng tôi chưa quyết định bất cứ điều gì".

Toyota Motor, công ty cũng sản xuất ô tô tại Canada và Mexico, đã tính đến những tác động tiềm tàng của việc tăng thuế quan theo kế hoạch của ông Trump nhưng vẫn kỳ vọng lợi nhuận ròng hàng năm cao hơn so với dự báo trước đó. Nhà sản xuất ô tô này hy vọng sẽ phản ứng nhanh chóng sau khi có nhiều thông tin rõ ràng hơn về ý định của ông Trump thay vì đưa ra các động thái dựa trên giả định và suy đoán.

Ông Trump, trong quá trình chuẩn bị áp dụng thuế quan đối ứng đối với hàng nhập khẩu, đã ra lệnh điều tra các quốc gia có mức thuế quan cao hơn hoặc các rào cản thương mại phi thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ vào thị trường của họ. Nhật Bản không áp thuế đối với ô tô - không giống như mức thuế nhập khẩu 2,5% đối với ô tô chở khách hiện do Mỹ áp dụng - nhưng một quan chức Nhà Trắng đã nói rằng Nhật Bản có "rào cản về mặt cấu trúc", chẳng hạn như các tiêu chuẩn công nghiệp và an toàn của nước này.

"Ngành công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp then chốt của Nhật Bản", Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yoji Muto trả lời các phóng viên ngày 18/2. "Chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận các chi tiết về các biện pháp của Mỹ và tác động của chúng đối với Nhật Bản".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục