Các lựa chọn thương mại của Anh nếu cử tri bỏ phiếu rời EU

05:43' - 09/06/2016
BNEWS Tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) số ra mới đây đã đưa ra các lựa chọn thỏa thuận thương mại mà Anh sẽ theo đuổi nếu người dân bỏ phiếu rời EU và các nhân tố cần phải cân nhắc.

Trong trường hợp kịch bản Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu, EU) trở thành hiện thực, Chính phủ phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn sự đổ vỡ kinh tế và cố gắng nhận thức tầm nhìn của phe Brexit về một thế giới hậu EU dựa trên "hợp tác thân thiện và thương mại tự do".

Các lựa chọn thương mại của Anh nếu cử tri bỏ phiếu rời EU. Ảnh: eureporter.co

* Thương mại miễn thuế trong lĩnh vực hàng hóa

Gia nhập Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), một thỏa thuận bao gồm các nước EU và một số nước châu Âu không thuộc liên minh, sẽ mở cửa cho Anh vào thị trường chung nhưng không bị ràng buộc bởi các chính sách nông nghiệp, ngư nghiệp, tư pháp hay đối ngoại.

Dưới góc độ kinh tế thì đây sẽ là lựa chọn ít gây gián đoạn nhất. Nhưng các cân nhắc chính trị khiến điều này khó có khả năng xảy ra bởi Anh sẽ vẫn phải trả tiền cho ngân sách EU, tuân thủ các quy định của Brussels và chấp nhận cho phép người lao động dịch chuyển tự do.

Anh cũng sẽ ít có khả năng gia nhập Liên minh thuế quan EU như Thổ Nhĩ Kỳ đã làm, bởi việc này mặc dù có thể mở lối cho Anh vào thị trường hàng hóa châu Âu, nhưng sẽ không cho phép Anh hưởng lợi từ các thỏa thuận khác mà EU có.

Thay vào đó, Anh có thể thỏa thuận với EU về thương mại miễn thuế đối với hàng hóa. Nhiều thỏa thuận như vậy đã từng đạt được trước đây và các tiêu chuẩn của Anh cũng tương xứng với của EU nên giai đoạn quá độ cũng sẽ thuận lợi hơn.

Tuy vậy, những thỏa thuận này nhìn chung chỉ là một phần của các thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn nhiều. Thêm nữa, một số nước EU đã đe dọa sẽ mặc cả quyết liệt nếu nước Anh ra đi.

Một rủi ro đối với kinh tế Anh là phần lớn thương mại trong các chuỗi cung ứng toàn cầu trên thế giới hiện nay là hàng hóa bán thành phẩm, như phụ tùng ô tô và linh kiện điện tử.

Các doanh nghiệp Anh và các doanh nghiệp nước ngoài đặt tại Anh có thể gặp bất lợi hoặc thậm chí bị gạt ra ngoài các chuỗi cung ứng như vậy và Chính phủ sẽ phải nhanh chóng tìm cách lấp lỗ hổng này.

* Tuân theo các quy định

Duy trì một mối quan hệ thương mại lành mạnh với các láng giềng châu Âu khác đồng nghĩa với việc vẫn phải tuân theo nhiều quy định của EU. Ví dụ như một người bán thịt lợn Anh muốn bán hàng sang châu Âu sẽ vẫn phải tuân theo các quy định về thú y của EU, các ô tô sản xuất tại Anh vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn của EU,...

Anh có thể chọn lập ra một chế độ kiểm soát riêng, nhưng điều đó gây thêm phí tổn và công việc giấy tờ cho các công ty làm ăn với EU.

Bên cạnh đó, EU cũng có thể sẽ không từ bỏ quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu tin rằng các doanh nghiệp Anh đang có lợi thế so với các đối thủ châu Âu nhờ được chính phủ trợ giá hoặc có các tiêu chuẩn kiểm soát thấp hơn.

Trên thực tế, điều này có nghĩa là nếu Anh trợ giá cho một ngành công nghiệp xuất khẩu sang châu Âu thì có thể bị áp thuế trừng phạt.

Brexit và những rủi ro đối với kinh tế Anh. Ảnh: theloadstar.co.uk

* Thương mại tự do hay phi thương mại tự do

Các nhà vận động cho phương án Anh rời EU cho rằng thâm hụt thương mại lớn của Anh với khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tạo cho họ một đòn bẩy đáng kể. Nhưng xuất siêu sang Anh nhiều nhất chỉ có Đức và Hà Lan.

Trung tâm cải cách châu Âu cho biết phần lớn các nước EU mua hàng của Anh nhiều hơn là bán cho Anh và trong khi EU mua một nửa giá trị hàng xuất khẩu của Anh thì Anh chỉ mua hơn 10% giá trị hàng xuất khẩu của phần còn lại của EU. Thông qua EU, Anh hiện được hưởng các điều khoản ưu đãi với ít nhất 60 nước, nhưng các lợi ích này có thể bị xem lại khi Anh rời EU.

Nước Anh cũng có thể bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán thương mại hàng đầu đang diễn ra. Ví dụ, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngừng đàm phán các thỏa thuận song phương với các nước để ưu tiên các thỏa thuận khu vực lớn hơn như Hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đang thảo luận với EU. Nếu không nằm trong EU, Anh sẽ không tham gia cuộc đàm phán này.

* Dấu hỏi lớn về ngành dịch vụ

Khu vực dịch vụ chiếm 80% kinh tế Anh và theo ước tính của ngân hàng Barclays thì trong vòng một thập niên nữa dịch vụ sẽ chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu của Anh.

Tuy nhiên, phần lớn các thỏa thuận thương mại hiện hành lại không bao gồm dịch vụ, trong khi các thỏa thuận với EU bao gồm dịch vụ lại đòi hỏi sự dịch chuyển tự do về người và các quy định chung.

Mỹ và EU đang đi tiên phong trong các cuộc đàm phán về tự do hóa thương mại toàn cầu trong lĩnh vực dịch vụ. Với thế mạnh của mình trong lĩnh vực này, Anh có thể sẽ muốn tham gia các cuộc đàm phán đó.

Với EU, lựa chọn tốt nhất của Anh có lẽ là cố gắng thành lập các thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực đã có thỏa thuận, ví dụ như trong các dịch vụ số. Anh cũng sẽ muốn duy trì các thỏa thuận trong lĩnh vực viễn thông mà nhờ đó người tiêu dùng Anh có thể được lợi từ việc hủy bỏ phí roaming.

* Tấm "hộ chiếu" cho các thị trường tài chính

Đây có lẽ là khó khăn lớn nhất. Vị thế "thủ đô tài chính thế giới" của London được xây dựng trên "các quyền hộ chiếu" cho phép các công ty đặt trụ sở ở Anh được giao dịch thương mại với khắp EU.

Điều này - cùng với sự thông dụng của tiếng Anh - khiến London trở thành trụ sở được ưa thích của nhiều công ty Mỹ và quốc tế. "Bảo vệ các ngân hàng" không phải là một khẩu hiệu dân túy nhưng bởi vì các dịch vụ chiếm gần 1/10 GDP của Anh nên nếu không còn lợi thế này nữa London sẽ thực sự bị ảnh hưởng.

Nếu Anh rời EU, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có khả năng sẽ không cho phép nhiều hình thức thương mại - ví dụ như thanh toán bù trừ bằng đồng euro - được thực hiện ở Anh.

* Thay đổi các ưu tiên nhập cư

Anh sẽ cần phải thương lượng một thỏa thuận để bảo vệ các công dân của mình đang sinh sống tại phần còn lại của châu Âu. Việc này cũng sẽ đi kèm một thỏa thuận tương hỗ cho khoảng 2 triệu công dân châu Âu hiện đang sinh sống và làm việc tại Anh.

Nhiều khả năng Anh sẽ dựng lên các hàng rào đối với người nhập cư trình độ thấp, trong khi nới lỏng các quy định đối với người nhập cư có trình độ cao từ bên ngoài EU. Sự thay đổi này sẽ khiến các nước Đông Âu bị ảnh hưởng, trong khi công dân từ các nước Bắc Mỹ có thể dễ dàng đến Anh làm việc hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục